MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà báo Hồ Bất Khuất trong một lần tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Nhà báo, nhà giáo Hồ Bất Khuất: Hạnh phúc là được sống với đam mê

QUỲNH TRANG LDO | 19/06/2022 10:39

Xuất thân là một nhà báo rồi sau đó là nhà giáo, nhà quản lý rồi viết sách, tiểu thuyết… lĩnh vực nào ông Hồ Bất Khuất cũng để lại dấu ấn riêng. Tuy nhiên, báo chí vẫn là nghề mà ông tâm đắc nhất trong cuộc đời mình.

Hành trình đến nước Nga của cậu bé làng biển xứ Nghệ

Hồ Bất Khuất sinh quán xã Quỳnh Long, làng quê giáp biển thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông có 6 anh em, ông là con thứ 3. Còn nhỏ xíu, cậu bé Khuất đã theo chân mẹ đi bán cá. Năm Hồ Bất Khuất 12 tuổi, bố ông là Hồ Xuân Kế đã hy sinh trong một trận đánh tàu chiến Mỹ trên biển. Mất bố, nhà đông anh em, tuổi thơ của ông như con ngựa hoang giữa sa mạc, chật vật lớn lên cùng người mẹ tảo tần.  

Do có thành tích học tập xuất sắc, năm 1972, Hồ Bất Khuất được tuyển vào lớp 8 chuyên Văn của tỉnh. Năm 1976, ông lên đường đi Liên Xô học và tốt nghiệp năm 1982. Tháng 1.1983, sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, ông về nước, làm phóng viên Tạp chí Cộng Sản. Một thời gian sau, ông chuyển về công tác tại Tạp chí Gia đình và Trẻ em. 

Nhà báo, nhà văn Hồ Bất Khuất. Ảnh: NVCC

Nhìn lại chặng đường đã qua, có lẽ điều làm nên phong cách của ông là ngòi bút của ông thấm đẫm chất văn chương, điều không quá xa lạ với bạn bè, đồng nghiệp của ông thời đi học.

Ông là một nhà văn, dịch giả của những vần thơ Nga nổi tiếng và được đăng nhiều trên các báo. Thơ của ông là vậy, còn khi đọc văn chương của ông, ai ai cũng cảm nhận được sự mượt mà nhưng quyến luyến, day dứt như vừa chấm dứt một cuộc tình sâu nặng, nghĩa tình.

Văn chương mượt mà, nên khi ông viết những bài viết về chính trị người ta vẫn “ngửi” ra mùi chữ của ông. Chính trị là một vấn đề khô khan nhưng nhưng khi được ông truyền tải bằng ngôn ngữ văn chương thì nhiều người đọc đã dễ đón nhận. Suốt những năm tháng làm báo, ông lấy đó làm phong cách riêng đặc trưng cho mình.

Qua thời gian, cái tên ông trở nên nổi tiếng và đi vào lòng bạn đọc lúc nào không hay. Cũng từ đây, cuộc đời ông bước sang một ngã rẽ mới là dạy cách làm báo cho những bạn sinh viên. Thế nhưng, ông không bao giờ nghĩ mình là thầy còn những học viên là trò. Ông luôn xem đó là đồng nghiệp trẻ, ông truyền cho họ những kinh nghiệm chinh chiến và sáng tác của mình.

Mới đây, ông được tin tưởng, giao thêm nhiệm vụ phụ trách Đặc san và trang điện tử “Doanh nhân Hồng Lam” - Cơ quan ngôn luận của Hội doanh nhân tiêu biểu Hồng Lam tại Hà Nội.

Hạnh phúc là được sống với đam mê

Tháng 5.1995, sau hơn 10 năm cống hiến cho nghề báo, ông trở lại nước Nga để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Báo chí tại Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Về nước, Hồ Bất Khuất vừa tiếp tục viết báo, vừa tham gia giảng dạy.

“Sở dĩ, tôi tham gia giảng dạy vì thầy giáo hướng dẫn căn dặn cậu viết báo thì tốt rồi, bây giờ cậu có bằng tiến sĩ, phải tham gia giảng dạy, nếu không thì nó phí đi”- ông Hồ Bất Khuất nhớ lại.

Cuối năm 1996, Phân viện Báo chí - Tuyên truyền trường Đại học Đông Đô mời ông về giảng dạy chuyên ngành Báo chí và ông đã bén duyên với nghề giáo từ đây. Sau này, ông Hồ Bất Khuất còn thỉnh giảng tại khoa Ngữ văn - Báo của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội và làm giảng viên chính thức tại Khoa Báo chí - Trường Đại học Vinh.

“Tôi nhận lời chuyển biên chế về Trường Đại học Vinh là do yêu mến bạn bè và được thầy Đinh trí Dũng nhiệt tình mời” - Hồ Bất Khuất chia sẻ.

Trong khoảng thời gian này, ông cũng đã để lại dấu ấn đặc biệt khi làm đề cương xin giấy phép và tự bỏ tiền túi ra xuất bản Tạp chí Sinh viên với số lượng hàng nghìn cuốn.

Nhà báo, nhà văn Hồ Bất Khuất trong buổi ra mắt sách "Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi“. Ảnh: QT

Trên mỗi chặng đường làm báo, ông đều dành ra những phút nghỉ ngơi cho riêng mình, những cuộc phiêu du để gặp gỡ những người bạn, đối thoại với những con người trong cuộc sống…

Theo Hồ Bất Khuất, hạnh phúc không phải ở địa vị, tiền bạc... mà chính là được thỏa mãn đam mê. Ông theo đuổi nghề báo với tất cả lý tưởng và sự đam mê, nhiệt huyết của cái đầu lạnh và trái tim nóng. Ông viết rất nhiều nhân vật từ các vị bộ trưởng cho đến những nhà văn già, những con người bình bị khác. Mỗi người một vẻ nhưng trong tác phẩm của ông ai nấy cũng đầy thú vị, cuốn hút.   

Trong những tác phẩm đã viết, ông vẫn thích nhất tiểu thuyết “Làng và Phố”. Đó là tác phẩm đầu tay của ông, đã xây dựng trong đầu cả chục năm và hoàn thành trong vòng 1 tháng. Đó là hành trình của một người làm báo đi tìm sự thật và công lý.

Đến nay, dù đã lớn tuổi nhưng ông chưa muốn nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Theo ông, giữa nghề báo và viết văn rất khó phân biệt rạch ròi lúc nào chơi, lúc nào làm. Do vậy, nghỉ ngơi là một trạng thái khó xác định với những người làm nghề viết lách.

Điều Hồ Bất Khuất tôn thờ trong cuộc đời là tự do. “Kinh nghiệm chỉ cho tôi là cái gì cũng sẽ qua, kể cả điều tồi tệ nhất. Tôi luôn vững vàng niềm tin bởi chưa bao giờ làm việc gì xấu và hổ thẹn với lòng” - Hồ Bất Khuất chia sẻ.

Cháy hết mình với học trò

Không hào nhoáng, bóng bẩy, nhưng với cái tâm của mình, nhà giáo Hồ Bất Khuất đã khiến nhiều thế hệ học trò quý mến. Nhìn vẻ ngoài ông có vẻ nghiêm nghị, nhưng ẩn sâu bên trong là người rất tâm lý, tận tình bày vẽ trong học tập cũng như ngoài đời tư cho học trò.

Trong công việc giảng dạy, Hồ Bất Khuất luôn cháy hết mình. Ông mong muốn tạo ra những thế hệ phóng viên chân chính, sống và cống hiến trọn đời với nghề báo đầy rẫy những khó khăn nhưng cũng vinh quang.

“Biển học mênh mông, tôi không thể dạy các bạn được tất cả mà chỉ chia sẻ, truyền đạt những kinh nghiệm mà bản thân tôi tích lũy bao nhiêu năm gắn bó với nghề báo. Các bạn là đồng nghiệp của tôi thì đúng hơn, bởi tôi mong các bạn cũng sẽ là những nhà báo chân chính, luôn trong sáng với nghề” - thầy Hồ Bất Khuất chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn