MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (ảnh chụp ngày 8.10). Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng: Sẽ phải tháo dỡ, nhưng ở mức độ nào?

 ĐĂNG HUỲNH - CƯỜNG NGÔ- THUỲ LINH LDO | 09/10/2019 05:00

Hôm nay (9.10), theo kế hoạch đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Hà Giang sẽ phải báo cáo kết quả kiểm tra vi phạm của nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Đây là đoàn kiểm tra do Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Kết quả của đoàn kiểm tra sẽ được tỉnh Hà Giang tổng hợp và báo cáo Thủ tướng trong ngày 10.10. Câu hỏi đặt ra là công trình này sẽ tồn tại hay không tồn tại và có giải pháp nào để giữ lại những phần không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường. 

Cơn khát kinh doanh dịch vụ du lịch

Giàng A Thao - người dân tộc Mông - là chủ một cửa hàng kinh doanh cafe, nước giải khát tại huyện Quản Bạ, nơi chúng tôi dừng chân trong hành trình đến đỉnh đèo mã Pì Lèng. Thao có 1 vợ và 2 con cho biết đã nhiều đời sinh sống tại đây, thế nhưng địa điểm kinh doanh này chỉ được mở ra vài năm gần đây phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến địa phương tăng cao. Cửa hàng ngoài phục vụ ăn uống, nước giải khát còn có cả một số mặt hàng lưu niệm đơn giản. Số tiền thu được mỗi ngày cũng giúp Giàng A Thao nuôi được vợ con, như anh nói thì “hơn lương cán bộ huyện”.

Khi được hỏi về câu chuyện ở nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng cách cửa hàng nhỏ của anh đến gần 100km, Thao cười và nói rằng ở đây, người dân không ai là không biết. Giàng A Thao biết về Panorama từ lúc công trình này còn chưa xây. Còn việc những lùm xùm trong các sai phạm gần đây đang được báo chí, mạng xã hội đưa tin không khiến anh bất ngờ. Bởi như anh chàng người dân tộc Mông này nói thì đơn giản là vì nhà hàng kiếm được nhiều tiền, thu hút nhiều khách, việc được chú ý là không tránh khỏi.

Sáng sớm 8.10, chúng tôi gặp cặp anh Quang Tiến và chị Ngọc Diệp đến từ Hà Nội dừng chân ăn sáng tại nhà hàng Panorama. Họ chỉ là một trong số rất nhiều du khách chúng tôi gặp tại nhà hàng này, dù là ngày đầu tuần nhưng số lượng mỗi lúc lại đông theo nhịp độ sương tan trên dòng Nho Quế. Anh chị cho biết những ngày qua, do báo chí và mạng xã hội nhắc nhiều đến công trình này, thấy vị trí đẹp nên quyết định lên Mã Pì Lèng để khám phá. Chính những du khách tại đây cũng cho rằng rất thích thú với công trình này vì đó là địa điểm check-in ấn tượng.

Tuy nhiên, việc đặt phòng là bất khả thi khi số lượng cung không đủ cầu, trong khoảng 30 phút buổi sáng nhưng có đến hàng chục cuộc điện thoại gọi đến nhà hàng để hỏi đặt phòng. Đấy có lẽ là câu trả lời cho lý do mà bà chủ cửa hàng này bỏ ra cả chục tỉ đồng cùng tâm huyết để xây dựng công trình này.

Thực tế, khi những tranh cãi về nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng nổ ra, đã có nhiều luồng ý kiến tranh cãi gay gắt. Một luồng cho rằng cần có quán xá đề khách du lịch dừng chân. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, những cơ sở như vậy sẽ giúp người dân có công ăn việc làm, muốn thoát nghèo thì không thể giữ mãi cảnh quan hoang sơ. Luồng ý kiến tiêu cực hơn thì muốn phá dỡ công trình để trả lại cho Mã Pì Lèng sự hoang sơ nhất.

Rõ ràng, việc quy hoạch phát triển cụ thể của khu vực này chưa có định hướng cụ thể. Nếu Hà Giang và huyện Mèo Vạc có chủ trương cho xây dựng những công trình như Panorama thì đã có bản kế hoạch chi tiết về thiết kế, màu sắc, quy định cụ thể? Bởi có thể đây sẽ là khởi nguồn cho những công trình tương tự mọc lên. Nếu mỗi công trình một kiến trúc, màu sắc và hoạt động kinh doanh khác nhau không chỉ phá vỡ cảnh quan nghiêm trọng mà còn tạo ra sự bát nháo như bài học từ các khu du lịch.

Hai thị trấn Mèo Vạc và Đồng Văn được nối liền bởi đèo Mã Pì Lèng được xem như các trung tâm hút khách du lịch. Điều níu chân du khách chính là sức quyến rũ mà đèo Mã Pì Lèng tạo ra. Việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương chính là ở hai trung tâm du lịch này thay vì những công việc mà chưa chắc họ có suất tại cơ sở kiểu Panorama như tạp vụ, bồi bàn…

Sẽ để lại một phần nếu không ảnh hưởng tới cảnh quan

Nếu phá bỏ Panorama, trả lại cảnh quan hoang sơ cho Mã Pì Lèng và giải toả cú sốc của dư luận thôi thì quá dễ. Ông Hoàng A Chinh - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang, dẫn đầu đã đến thị sát tòa nhà 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng nói thì địa phương sẽ không giải quyết theo hướng “phạt cho tồn tại” mà sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình.

Công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, UNESCO từng đề nghị tại vị trí hiện là nhà nghỉ Panorama cần xây dựng một điểm dừng chân để ngắm hẻm vực Tu Sản. Trong khi khu vực này lại đúng mảnh đất thuộc sở hữu của gia đình bà Vũ Ngọc Ánh, nên bà Ánh cũng mong muốn làm một điểm dừng chân.

Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, khi bà Vũ Ngọc Ánh thiết kế công trình, huyện không được xem xét các hồ sơ, thủ tục. Khi chính quyền phát hiện ra, dự án đã thi công các tầng âm. Huyện đã giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng lập biên bản, yêu cầu bà Vũ Ngọc Ánh phải hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục. “Nếu công trình được giữ lại, huyện sẽ yêu cầu bà Vũ Ngọc Ánh cải tạo lại công trình theo hướng hòa nhập hơn với cảnh quan môi trường xung quanh” - ông Cường nói.

Ông Hoàng A Chinh - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho rằng, công trình Panorama nằm ở khu vực nông thôn - nơi chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết - nên không phải có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, nhà hàng của bà Vũ Ngọc Anh hiện đang thiếu 3 giấy phép. Đó là giấy phép đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hằng năm sang đất thổ cư, xây dựng; giấy chứng nhận đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; hồ sơ thiết kế công trình để đánh giá mức độ an toàn, tác động môi trường.

Ông Hoàng A Chinh khẳng định, nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy tờ, thủ tục cần thiết thì chính quyền sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần nhà hàng. Những phần không ảnh hưởng đến danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng và cảnh quan thiên nhiên, môi trường xung quanh có thể được giữ lại.

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch diễn ra ngày 8.10, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng nêu quan điểm về những ồn ào liên quan đến công trình chưa được cấp phép ở Mã Pì Lèng. Người phát ngôn Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng, đến thời điểm này, bộ chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào để xin thẩm định xây dựng công trình này. Nếu như nằm ngoài khu vực vùng 2 di sản, thì công trình này sẽ bị điều chỉnh bởi quy định trong Luật Xây dựng.

Tại buổi họp báo, phóng viên Lao Động đặt ra vấn đề “cơ chế nào để tư nhân tham gia phát triển du lịch mà không vi phạm”. Từ bài học về vụ ở Mã Pì Lèng, có thể thấy khi cơ quan quản lý vào cuộc thì mọi việc ở “sự đã rồi”. Nếu xử lý không khéo có thể tạo tiền lệ xấu, cá nhân, tổ chức lợi dụng điều này để xâm hại di tích, thắng cảnh…”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình - khẳng định quan điểm của bộ: Dù doanh nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần nào cũng phải thực hiện nghiêm theo pháp luật. Việc xây dựng trái phép ở bất cứ đâu trên đất nước này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều không đồng tình.

Về việc chủ công trình nói rằng, “nếu phá dỡ công trình thì bà chỉ có nước nhảy xuống sông Nho Quế” - ông Nguyễn Thái Bình cho biết, bà chủ công trình ở Mã Pì Lèng không được lôi sinh mệnh mình ra để tạo áp lực ngược trở lại với luật pháp. Nếu đã sai thì phải khắc phục, sửa chữa, chịu sự xử lý theo các quy định của pháp luật. Đã là doanh nghiệp trong cơ chế thị trường thì phải “được ăn thua chịu”.

ĐẶNG CHUNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn