MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy bột giấy lớn nhất nước sau 9 năm xây dựng vẫn bí đường xả thải. Ảnh: Viên Nguyễn

Nhà máy bột giấy lớn nhất nước cam kết bồi thường nếu để xảy ra sự cố môi trường

VIÊN NGUYỄN LDO | 22/05/2024 12:57

Chủ đầu tư Nhà máy Bột - Giấy VNT19 ở Quảng Ngãi cam kết sẽ dừng hoạt động, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường ngoài nhà máy.

Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 được khởi công năm 2015 tại xã Bình Phước. Qua 3 lần điều chỉnh, hiện dự án được nâng công suất giai đoạn 1 lên 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối quý IV năm 2024. Tuy nhiên, dự án có tổng vốn đầu hàng chục nghìn tỉ đồng này đang bí đường xả thải vì người dân ở các xã Bình Phước, Bình Trị, Bình Hải ở huyện Bình Sơn không cho chủ đầu tư đặt ống xả thải ra vịnh Việt Thanh. Người dân cho rằng, bao đời nay, vịnh Việt Thanh là vùng biển mưu sinh của hàng nghìn người dân, việc đặt đường ống xả thải ra thẳng vịnh Việt Thanh sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn sinh kế của người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 cho hay, tính đến nay, khối lượng của dự án đã thực hiện đạt khoảng 85%. Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 được UBND tỉnh giao khu vực biển để xây dựng tuyến ống thoát nước đã qua xử lý của dự án với diện tích khu vực biển là 0,45 hecta trong thời hạn 30 năm kể từ ngày 18.1.2024.

Vịnh Việt Thanh nơi Nhà máy Bột - Giấy VNT 19 dự kiến đặt ống xả thải là nơi khai thác hải sản của hàng nghìn người dân. Ảnh: Ngọc Viên

Tuy đã khởi công xây dựng được 9 năm nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

Cung cấp thông tin cho phóng viên, ông Nguyễn Đức Hữu cho biết, hệ thống xử lý nước thải của dự án được thiết kế với công suất 50.000m3/ngày đêm do nhà thầu AQUAFLOW của Phần Lan thiết kế, thi công. Sau khi dự án đi vào hoạt động, nước thải qua xử lý của dự án trước khi xả thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc, giám sát tự động, liên tục và có camera giám sát truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp và liên tục. Nguồn nước thải đã qua xử lý sẽ xả theo hình thức phân tán tại vùng biển cách bờ trên 1.000 mét.

“Công ty cam kết bảo đảm hoạt động xả nước thải đã qua xử lý của nhà máy không ảnh hưởng đến khu vực bãi tắm, vùng đánh bắt hải sản của người dân. Công ty sẽ dừng hoạt động, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường” - ông Nguyễn Đức Hữu khẳng định.

Nêu quan điểm với phóng viên về Nhà máy Bột - Giấy VNT19, ông Ung Đình Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn - cho hay, người dân địa phương trong vùng dự án rất quan tâm đến nhà máy này và mong muốn các bộ, ngành và địa phương cần giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng nhà máy để đảm bảo khi đi vào hoạt động không ảnh hưởng đến môi trường, sinh kế của người dân.

Theo chủ đầu tư, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm, bằng khoảng 55% - 60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn