MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà máy xi măng 300 tỉ, 7 năm đắp chiếu ở Quảng Ngãi sắp tái sinh?

VIÊN NGUYỄN LDO | 07/04/2023 13:01

Quảng Ngãi - Sau khi đi vào hoạt động được một thời gian, Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) gây ô nhiễm môi trường và bị người dân ngăn không cho hoạt động suốt 7 năm.

Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất của Công ty CP xi măng Miền Trung (CRC). Dự án do CRC làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2000, trên diện tích 6 ha, vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng và bắt đầu hoạt động năm 2012.

Trong quá trình hoạt động, nhà máy phát tán bụi, tiếng ồn khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sống quanh khu vực nhà máy đảo lộn. Năm 2015, người dân địa phương kéo nhau đến ngăn cản nhà máy hoạt động. Tháng 5.2015, nhà máy chính thức dừng hoạt động cho đến nay để cải tạo, nâng cấp thiết bị, đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

7 năm qua, Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất bị người dân ngăn cản không cho hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Ngọc Viên

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thanh tra dự án. Đồng thời, tổ chức 2 lần đối thoại trực tiếp với các hộ dân. Tiếp đó, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà máy, và có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi báo cáo, đề xuất xử lý vụ việc.

Thực hiện chỉ đạo, Quảng Ngãi đã 3 lần tổ chức làm việc với Công ty CP xi măng Miền Trung. Nhưng doanh nghiệp này mong muốn được tạo điều kiện di dời dân, cho Nhà máy sớm hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc đền bù và di dời các hộ dân ở khu vực Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất tiêu tốn kinh phí lên đến hàng nghìn tỉ đồng, tỉnh Quảng Ngãi không có đủ nguồn kinh phí thực hiện. Vì vậy, Quảng Ngãi không có cơ sở tổ chức thực hiện.

Ông Phan Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho biết liên quan đến nhà máy này, người dân đã phản ánh rất nhiều, yêu cầu được di dời đến nơi ở mới càng sớm càng tốt.

Theo ông Đông, hiện đã có lộ trình di dời hàng nghìn hộ dân ở xung quanh nhà máy. Tuy nhiên, ý kiến người dân là nên rút ngắn lộ trình này, thực hiện sớm hơn, để họ không phải sống chung với bụi hằng ngày.

7 năm không được hoạt động, Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất đang trong tình cảnh “sống dở, chết dở“. Ảnh: Ngọc Viên

Ngày 27.2.2023, CRC đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, được UBND tỉnh thông tin - hiện nay đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 168 ngày 28.2.2023.

Theo quy hoạch, nhà máy nằm trong khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Dung Quất, do đó dân cư xung quanh khu vực sẽ được giải tỏa tái định cư. Đây là tin vui cho hàng nghìn hộ dân và Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, bởi nhiều năm nay cả người dân và nhà máy đều khổ vì nằm cạnh nhau khiến cả nhà đầu tư và người dân đều chịu thiệt.

Dự án Nhà máy xi măng Đại Việt là một trong những dự án đầu tư sớm nhất, thực hiện tại KKT Dung Quất. Tuy nhiên, Nhà máy xi măng Đại Việt lại hiện diện giữa khu dân cư, hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đây là bài học đắt giá trong công tác thu hút đầu tư. Ảnh: Ngọc Viên

Tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tham vấn hơn 1.800 hộ dân sống xung quanh Nhà máy Xi măng Đại Việt- Dung Quất thì chỉ có 5 hộ dân không có ý kiến, còn tất cả đều muốn di dời về nơi ở mới. Bộ Xây dựng và Quảng Ngãi thống nhất đề xuất của CRC phương án di dời gần 1.864 hộ dân theo 3 giai đoạn. Lộ trình thực hiện từ năm 2026 - 2030.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn