MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh Nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Nhà ở xã hội khó tiếp cận, phải người có tiền mới mua được

NHÓM PV LDO | 10/05/2023 07:33

Nhà ở xã hội là dành cho người dân có thu nhập thấp hay thuộc diện chính sách. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp có đủ tiền, đủ tiêu chuẩn để có một suất mua nhà ở xã hội nhưng vẫn không thể. Bởi nhà ở xã hội chỉ mua được qua các cò mồi và chấp nhận mua chênh vài trăm triệu đồng so mức giá quy định.

Người có tiền mới mua được nhà ở xã hội

Trong vai những người dân thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà tại dự án nhà ở xã hội, khoảng 3h sáng một ngày cuối tháng 4.2023, phóng viên Báo Lao Động đã tiếp cận, tìm hiểu thông tin với nhiều đối tượng khách hàng và cò môi giới BĐS tại đây.
Cảnh người dân xếp hàng từ 3 giờ sáng mua hồ sơ nhà ở xã hội tại trụ sở Công ty CP Đầu tư Xây dựng NHS trên đường Thành Thái (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội). 

Một người dân chia sẻ, do quỹ căn hộ có hạn, trong khi nhu cầu mua lớn, chủ đầu tư mỗi ngày chỉ xử lí được vài chục bộ hồ sơ trong khi lượng gửi vào đã xấp xỉ 1.000 bộ. Để hồ sơ của mình có cơ hội được duyệt trong ngày, không ít người đã thức trắng nhiều đêm chỉ để giữ chỗ.

“Mình đến đây đã 3 lần rồi. Ban đầu được xếp số 54, chờ được 2 tiếng đồng hồ thì có người nói rằng hồ sơ của mình còn thiếu một loại giấy tờ. Sau khi bổ sung, mình quay lại thì số thứ tự đã quá 60 rồi. Số này được mọi người đánh giá là khó có cơ hội nộp thành công” - một người dân chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều người dân than thở việc mua nhà ở xã hội khó khăn đến mức có cảm giác như đi “van xin”, nhưng vì cơ hội không có nhiều nên buộc phải kiên nhẫn chờ vào may rủi.

Dù khổ cực, vất vả, chạy đôn chạy đáo vì thủ tục là thế nhưng đó chưa phải là tất cả. Bởi thực tế người dân có thức ngày, thức đêm đi chăng nữa thì theo những người xếp hàng, vẫn còn có những cách khác để sở hữu căn hộ bằng cách “mua chênh”, cụm từ đầy ám ảnh với nhiều người trong hành trình nỗ lực tìm mua nhà ở xã hội.

Từ những thông tin này, chúng tôi kết nối và hẹn gặp với một cò môi giới tên Đức (sinh năm 1998) - người tự xưng là nhân viên của một sàn chuyên phân phối các sản phẩm nhà ở xã hội cho chủ đầu tư NHS tại một quán cà phê trên đường Phạm Hùng.

Đức khẳng định, nếu mua căn hộ nhà ở xã hội theo suất “ngoại giao” với giá chênh, chúng tôi sẽ chắc xuất sở hữu khi chỉ cần bỏ ra số tiền “phải chăng” nhất thị trường.

“Sau 2015, nói thẳng ra là những đối tượng có thể mua được nhà ở xã hội chỉ có người có tiền. Mà đa phần người đủ điều kiện muốn mua nhà thì lại không có tiền” - Đức nói một cách ráo hoảnh.

Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Đức không ít lần quảng cáo về kinh nghiệm nhiều năm bán các căn hộ của chủ đầu tư NHS như dự án NT Home Phương Canh... Người này khẳng định, chỉ cần khách “thiện chí” chấp nhận mua giá chênh ít nhất là 350 triệu đồng so với giá chủ đầu tư niêm yết, tất cả những gì chúng tôi cần làm là giao tiền và chờ ngày nhận nhà.
Cò môi giới BĐS tên Đức hướng dẫn PV Báo Lao Động cách lách luật, mua nhà ở xã hội theo giá chênh. Ảnh: P.V 

“Hiện bên em còn 36 suất, 157 suất ngoại giao, 68 suất thuê mua, 50 suất thương mại. Khách bên nào báo giá tiền chênh lệch dưới 350 triệu đồng thì không cần làm việc để tránh mất công sức các bên. Chủ đầu tư sẽ không được liên quan đến hợp đồng giữa 2 bên chúng ta. Vì nếu không thì khác gì chủ đầu tư phân phối nhà ở xã hội phạm pháp về cho chúng em bán. Tuy nhiên chủ đầu tư sẽ biết hết” - Đức nói.

Cũng theo nam nhân viên này, quá trình thanh toán tiền chênh sẽ được thực hiện qua 3 bước gồm: Lần đầu tiên khách hàng sẽ cọc 20 triệu đồng để duy trì giữ suất. Lần thứ 2 sau đó sẽ thanh toán 50% tiền chênh (trừ đi 20 triệu cọc ban đầu là đóng 155 triệu đồng).

Như vậy, dù là dự án nhà ở xã hội, không được mua bán dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật, thế nhưng ngay từ khi chủ đầu tư chưa kết thúc việc nhận hồ sơ, tại các công ty, sàn BĐS đã có nhiều căn hộ được đặt cọc, ngã giá, chắc suất vì mua theo hình thức ra “giá chênh”.

Trong vai những người được môi giới dẫn đi mua nhà ở xã hội bằng các “suất ngoại giao” những cuộc giao dịch mua nhà tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn đều được chúng tôi ghi nhận.

3 tháng chỉ có một dự án rao bán ở Hà Nội

Thống kê gần đây từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, quý I/2023, riêng khu vực Hà Nội có 36 dự án nhà ở đang mở bán, cung cấp ra thị trường hơn 3.700 sản phẩm, giảm gần 30% so với cùng kì năm 2022. Trong đó, hơn 90% nguồn cung là căn hộ giá trên 40 triệu đồng/m2.

Phân khúc căn hộ thương mại giá dưới 30 triệu đồng/m2, nguồn cung chỉ có tại hai huyện vùng ven Thanh Trì và Đông Anh. Do vậy, nhà ở xã hội tiếp tục là phân khúc có nhu cầu cao nhất hiện nay vì giá cả phải chăng. Tuy nhiên, lượng giao dịch khá thấp nguyên nhân vì có rất ít dự án nhà ở xã hội được triển khai ở Thủ đô.

Ngoài ra, thủ tục và điều kiện để mua quá rườm rà và khó khăn khiến người mua khó tiếp cận được phân khúc này.

Trong 3 tháng đầu năm, cả thành phố chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh tại địa bàn quận Nam Từ Liêm là dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu), giá quy định hiện tại gần 20 triệu đồng/m2. Sau thời gian chính thức tiếp nhận hồ sơ mua nhà tại dự án này, số lượng người dân đến Công ty CP Đầu tư Xây dựng NHS (là chủ đầu tư dự án, trụ sở trên đường Thành Thái, Dịch Vọng, Cầu Giấy) nộp hồ sơ mua, thuê nhà tăng đột biến bất kể ngày hay đêm. Các cò rao bán cũng được dịp tung hoành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn