MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà trường phân trần việc mua sắm dụng cụ với giá cao gấp nhiều lần

Phan Tuấn LDO | 04/04/2023 14:07

Nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục được Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện bị thổi giá gấp từ 4 đến 6 lần. Liên quan đến sự việc này, một hiệu trưởng nhà trường còn cho rằng họ được nhận hàng trước trước rồi sau đó có người gọi điện gửi hồ sơ qua bưu điện xin thanh toán sau. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông. Ảnh: Bảo Lâm

Nhiều gói thầu bị thổi giá cao bất thường

Ngày 4.4, thông tin từ Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị trường học có dấu hiệu thông thầu xảy ra trên địa bàn.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ban hành kết luận thanh tra các gói thầu đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục trên địa bàn và phát hiện hàng loạt sai phạm.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có một số gói thầu lấy báo giá không đúng quy định, chênh lệch giá, trang thiết bị giáo dục không đúng xuất xứ theo hồ sơ dự thầu, hợp đồng…

Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục tại các phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học trên địa bàn 8 huyện, thành phố đa số là các gói thầu nhỏ lẻ, giao về cho các trường học trực tiếp mua sắm bằng hình thức chỉ định thầu.

Trình tự, thủ tục, hồ sơ mua sắm đa số chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định; hàng hóa, thiết bị không có đầy đủ tài liệu, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.

Đáng chú ý nhất là việc có 29 gói thầu mua sắm dù che nắng, cột bóng rổ tại các huyện: Đắk R’lấp, Đắk Mil, Đắk G'long, Đắk Song có dấu hiệu thông thầu.

Nhiều gói mua sắm dù che nắng cho các trường học có dấu hiệu bị thổi giá gấp 4 - 6 lần so với giá trị thị trường.

Đơn cử như ở huyện Đắk R'lấp, dù che nắng có đường kính 20m, chất liệu vải dù 420D, trụ cao 9m được mua với giá 65 triệu đồng/cái. Tuy nhiên, giá của các nhà cung cấp khác tham khảo trên mạng chỉ từ 8,82 triệu đồng đến 15,5 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho rằng những chiếc dù che nắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng có giá trúng thầu cao gấp nhiều lần đã gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Chuyển hàng trước gửi hồ sơ thanh toán sau 

Chưa dừng lại ở đó, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có tình trạng một số nhà thầu thuộc nhóm gia đình có biểu hiện thao túng thị trường cung cấp thiết bị giáo dục trên địa bàn.

Cụ thể, trong thời kỳ 2018 - 2021, 5 hộ kinh doanh ở thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã cung cấp 235 gói thầu với giá trúng thầu hơn 15,5 tỉ đồng (chiếm 38,8% tổng số gói thầu trên địa bàn).

Công an thành phố Buôn Ma Thuột xác định 5 người này có quan hệ là anh - em ruột, chú - cháu ruột. Hồ sơ mua sắm của nhóm thầu gia đình trên thực hiện không đảm bảo; đa số hàng hóa, trang thiết bị giáo dục đã cung cấp không có tài liệu, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Một số trang thiết bị cung cấp không đúng quy cách; một số thiết bị có giá cao bất thường so với giá thị trường; không phối hợp với các trường học cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho hoạt động thanh tra.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, tổng cộng sai phạm phát hiện qua thanh tra là hơn 2,1 tỉ đồng. Căn cứ tính chất, mức độ các khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Chánh Thanh tra tỉnh quyết định truy thu nộp vào ngân sách nhà nước các khoản tiền của các đơn vị hơn 1,6 tỉ đồng; kiến nghị các nhà thầu cung cấp, lắp đặt bổ sung, hoàn thiện các thiết bị giáo dục với giá trị hơn 500 triệu đồng...

Thanh tra tỉnh Đắk Nông còn kiến nghị giao cho Công an tỉnh xem xét, xử lý theo quy định đối với 4 nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động đấu thầu.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến ở xã Đắk R'la, ở huyện Đắk Mil cho rằng, nhà trường có mua sắm một cái dù với giá trên 60 triệu đồng.

Về quy trình thì dù che nắng được đưa về trước, còn hồ sơ giấy tờ thì nhà thầu gửi về cho nhà trường ký sau theo đường bưu điện. Chi phí để thanh toán dù che nắng cho học sinh thì từ nguồn ngân sách được cấp bổ sung.

“Sau khi văn thư ra bưu điện nhận bộ hồ sơ ấy thì có người gọi cho tôi xin thanh toán xin cái dù nhưng tôi không lưu lại được số điện thoại. Sau khi nhận dù, thật ra tôi không cho kiểm tra khích thước, mẫu mã... như thế nào, bởi vì lúc đó tôi đang đi công tác” - Hiệu trưởng Huấn thừa nhận. 

Cũng theo vị Hiệu trưởng này, đối với việc mua bán này thì trách nhiệm của nhà trường đã quá rõ rồi. Tuy nhiên, do nhà trường rất nghèo với hầu hết đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nên, khi người ta bảo cho cái dù thì mình cũng rất là mừng chứ bản thân không có tư lợi cá nhân gì.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn