MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà vệ sinh công cộng sạch chưa chắc tạo thiện cảm, nhưng bẩn sẽ gây ác cảm

KHÁNH AN - HỮU CHÁNH LDO | 15/03/2023 07:41

Trưởng ban truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, nhà vệ sinh công cộng sạch, đẹp chưa chắc tạo thiện cảm cho du khách, vì họ coi nhu cầu đi vệ sinh là việc đương nhiên. Thế nhưng, nếu nhà vệ sinh công cộng bẩn, nhếch nhách thì sẽ gây ác cảm rất lớn.

Theo khảo sát của QS Supplies (Anh) tiến hành tại 69 thành phố du lịch trên toàn thế giới, Hà Nội và TPHCM đứng vị trí 66 và 67.

Hà Nội có hơn 400 nhà vệ sinh công cộng, TPHCM có khoảng 200, và mật độ nhà vệ sinh công cộng của 2 thành phố này là 0,01 cái/km2.

Trong khi đó, con số này ở Paris (Pháp) là 6,72 cái/km2 - đây cũng là thành phố có mật độ nhà vệ sinh công cộng cao nhất thế giới. 

"Có một sự thật không thể chối cãi là du khách, sau khi uống cà phê kem trứng và tản bộ trên vỉa hè lát đá của Hà Nội trong một giờ, sẽ phát hiện khó kiếm ra nhà vệ sinh công cộng xung quanh. Các tờ rơi hướng dẫn, nhắc nhở du khách mang theo tiền hoặc lưu các số điện thoại khẩn cấp nhưng lại không chuẩn bị cho mọi người việc cơ bản nhất này.

Tại TPHCM, mọi thứ đều hấp dẫn khách du lịch quốc tế, trừ nhà vệ sinh” - tờ báo uy tín tại Nhật Bản Nikkei Asia đánh giá. 

  Danh sách 15 thành phố đứng cuối bảng xếp hạng các nhà vệ sinh công cộng của QS Supplies. Ảnh: Nikkei Asia

Ông Nguyễn Công Hoan -  Trưởng ban truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, một đất nước khi muốn phát triển du lịch cần đảm bảo được các yếu tố về an ninh, an toàn và vệ sinh. 

“Đất nước chúng ta có nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhưng đầu tư hạ tầng vẫn còn rất kém, như bãi đỗ xe, hệ thống nhà vệ sinh...

Trong khi đó, với những du khách quốc tế sống ở những đất nước phát triển hơn thì người ta rất khắt khe về vấn đề nhà vệ sinh. 

Nhà vệ sinh công cộng sạch, đẹp chưa chắc tạo thiện cảm cho du khách, vì họ coi nhu cầu đi vệ sinh là việc đương nhiên và ít có ai lại khen nhà vệ sinh công cộng. Thế nhưng, nếu nơi này bẩn, nhếch nhách thì sẽ gây ác cảm rất lớn” – ông Hoan cho biết. 

 Nhà vệ sinh công cộng trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) xập xệ, hệ thống đèn bị hỏng suốt thời gian dài. Ảnh: Khánh An 

Theo Trưởng ban truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam, từ nhiều năm nay, ngành du lịch đã ý thức được rằng nhà vệ sinh là một phần hạ tầng tất yếu để phục vụ du khách.

Ngoài kêu gọi các địa phương, các khu du lịch đầu tư vào hạng mục này, ngành du lịch cũng đã tổ chức các cuộc thi đánh giá nhà vệ sinh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng.

Từ thực tế hiện nay có thể thấy, nhà vệ sinh công cộng có 2 thái cực: Rất sạch và rất bẩn.

Những nhà vệ sinh sạch, đẹp thường nằm trong các khu du lịch của tư nhân. Bởi họ coi đây là một trong những phần tạo dựng chất lượng dịch vụ, tạo dựng thương hiệu cho họ.

Còn với những khu vực công cộng, nhà vệ sinh chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết nhếch nhác, bẩn thỉu, các hạng mục xuống cấp trầm trọng. 

“Ngành du lịch từng nhiều lần đề nghị các cơ quan quản lý xây dựng các tiêu chuẩn về các công trình công cộng. Chúng ta cần quan tâm kỹ hơn về tiêu chuẩn nhà vệ sinh ở góc độ quy hoạch, góc độ nghiệm thu và góc độ duy trì” – ông Hoan nói. 

Ngoài ra, một trong những yếu tố khiến nhà vệ sinh công cộng xuống cấp còn nằm ở ý thức của người sử dụng, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài, khách du lịch trong nước...

Ông Hoan cho biết, nếu mọi người không giữ gìn vệ sinh chung, không xả nước, vứt rác không đúng nơi quy định... thì khi đó, dù có 2,3 người dọn dẹp thì cũng không thể sạch sẽ.

“Vậy nên, một điều cũng quan trọng không kém là cần tuyên truyền cho người dân về việc giữ vệ sinh khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng” - ông Hoan cho biết.

Người dân không vào được nhà vệ sinh nên đi tiểu ở bên ngoài. Ảnh: Hữu Chánh

Còn theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, nhà vệ sinh sạch sẽ là yếu tố quan trọng trong quá trình đẩy mạnh phát triển du lịch. 

Ông Phương từng đọc được nhiều bài viết về chủ đề “Danh sách những nhà vệ sinh sạch tại TPHCM” trên các diễn đàn quốc tế. Ông cho rằng đây là một điều đáng buồn, bởi du khách trước khi đến Việt Nam, thay vì tìm hiểu sâu về cảnh đẹp, quán ăn ngon lại chia sẻ cho nhau bí quyết tìm nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp. “Điều đó cho thấy nhà vệ sinh công cộng của Việt Nam đang không hề đẹp trong mắt du khách quốc tế” – ông Phương nói. 

Theo quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, để tạo thuận lợi cho du khách trong việc tìm kiếm, cần đồng bộ vị trí các nhà vệ sinh lên bản đồ vệ tinh.

Ngoài ra, cần liên tục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nhà vệ sinh để lấy lại hình ảnh về nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. 

Ông Phương cũng đề xuất phương án để cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng hiện nay là thực hiện xã hội hoá. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất về chủ trương từ cơ quan lãnh đạo, đơn vị quản lý trực tiếp, đơn vị kiểm tra và đơn vị sử dụng. 

“Từ thực tế cho thấy, nhà vệ sinh công cộng có sự đầu tư của tư nhân luôn tốt hơn nhà vệ sinh công cộng do nhà nước thực hiện, quản lý.

Hiện nay, các thành phố lớn vẫn còn nhiều quỹ đất công, chúng ta có thể dành một phần diện tích này để cho các đơn vị tư nhân xây dựng các nhà vệ sinh. Bù lại, họ có thể truyền thông, quảng cáo về doanh nghiệp của họ tại những vị trí này” – ông Phương đề xuất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn