MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phạm Hùng Anh. Ảnh: ĐĂNG LƯƠNG

Nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn nhưng vẫn bẩn: Đi tìm giải pháp căn cơ

DUY THIÊN LDO | 28/08/2019 07:00

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh, không ít lần các con không dám đi vệ sinh ở trường vì nhà vệ sinh bẩn, nhất định thà “nhịn” cả buổi học chờ về nhà. Trong khi đó, mỗi lần họp phụ huynh, các phụ huynh đều nhận thấy nhà vệ sinh (NVS) trường học rất khang trang, sạch sẽ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Hùng Anh cho rằng, đó là một thực tế và bộ đã xây dựng các giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Thưa ông, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về việc phải giải quyết dứt điểm vấn nạn nhà vệ sinh (NVS) trường học hôi thối kéo dài trong nhiều thập kỷ qua, vậy tới nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào?

- Ông Phạm Hùng Anh: Thực tế là ngành Giáo dục vẫn quan tâm và triển khai chỉ đạo xây dựng NVS trường học. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, việc quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn. Chỉ trong năm học 2018-2019, cả nước đã bổ sung khoảng 60.000 công trình NVS trường học các loại.

Nói về NVS trường học phải nhìn ở 2 góc độ. Do trước đây cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp còn thiếu nên tại nhiều địa phương, họ dành kinh phí khắc phục tình trạng thiếu lớp học, tình trạng phòng học tranh tre nứa lá, thực sự chưa quan tâm tới đầu tư NVS. Nhưng năm qua, sau khi có chỉ đạo quyết liệt, hầu hết địa phương đã xây dựng các đề án riêng để tăng cường đầu tư CSVC cho NVS trường học đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Tính đến thời điểm tháng 3.2019, dựa trên 2 tiêu chí đánh giá: Thứ nhất là quy cách xây dựng NVS đạt chuẩn kiên cố hóa theo quy định của Bộ Xây dựng. Thứ 2 là quy định hợp vệ sinh theo quy định trong Thông tư 13 của Bộ Y tế, theo đó số NVS trường học hợp chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 60%. Trong đó, khối mầm non có tỉ lệ đạt chuẩn tiêu chí của Bộ Y tế là 70%, theo tiêu chí của Bộ Xây dựng là 85%.

Khối tiểu học tỉ lệ kiên cố hóa đạt 62%, số lượng NVS đạt chuẩn ở mức khá cao 66%. Khối THCS tỉ lệ kiên cố hóa đạt 50%, còn NVS theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế mới đạt 48%. Khối THPT tỉ lệ kiên cố hóa đạt 92%, số NVS đạt chuẩn khoảng 70%.

Nếu lấy tiêu chí vệ sinh của Bộ Y tế làm thang đo thì còn tới hơn 40% NVS trường học chưa đạt chuẩn. Vậy, Bộ GDĐT có giải pháp cụ thể gì để xử lý dứt điểm? Dự kiến năm học 2019 - 2010 sẽ xây dựng thêm được bao nhiêu NVS, thưa ông?

- Việc xây NVS là do kinh phí của địa phương, bộ không thể nắm được kế hoạch cụ thể là bao nhiêu. Bộ chỉ yêu cầu trong vòng 2 năm phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu NVS. Trong 1 năm vừa rồi, các địa phương đã đẩy mạnh đạt tới 60.000 NVS được bổ sung mới. Việc này giúp tăng thêm khoảng 13-14% NVS đạt chuẩn chỉ trong vòng 1 năm học. Tôi hy vọng với tốc độ này, tỉ lệ còn lại khoảng 40% sẽ được giải quyết trong vòng 2 năm tới.

Trong việc đánh giá thi đua của các Sở Giáo dục địa phương năm tới đây, chúng tôi đã đưa các tiêu chí về CSVC, tiêu chí về NVS vào tiêu chí thi đua. Như vậy, nếu địa phương nào làm chưa tốt sẽ bị đánh vào điểm thi đua. Thứ hai là việc NVS nhà trường, kể cả những trường được đầu tư tốt, những trường bán kiên cố nhưng khâu quản lý sử dụng không tốt, không đảm bảo yêu cầu sẽ bị quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Đợt này bộ làm rất quyết liệt và rất cần sự giám sát, hỗ trợ từ cả cộng đồng.

Tại nhiều trường, dù CSVC NVS trường học rất tốt nhưng vẫn không đảm bảo vệ sinh, học sinh vẫn “chê” không sử dụng. Vậy bộ có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

- Tôi cho rằng việc đầu tư NVS trường học không thể giải quyết được tất cả vấn đề NVS có đảm bảo vệ sinh hay không. Vấn đề đặt ra chính là khâu tổ chức quản lý, sử dụng và làm vệ sinh NVS mới là khâu quan trọng. Bàn đến câu chuyện này đang còn rất nhiều vấn đề khó khăn, ví dụ về kinh phí để thuê người dọn dẹp, thiếu nguồn nước ở các trường vùng sâu vùng xa, thiếu hóa chất tẩy khử mùi…

Hiện nay, các địa phương đang áp dụng 3 biện pháp chủ yếu để quản lý khai thác sử dụng NVS. Tại một số thành phố lớn, những nơi có điều kiện, các quận đã chủ động trả chi phí cho một công ty dịch vụ riêng, họ quản lý khai thác sử dụng NVS trường học. Mô hình này nhiều quận tại nhiều thành phố đang áp dụng, phải nói là NVS rất đảm bảo.

Mô hình quản lý thứ hai là khi ký hợp đồng thuê bảo vệ, họ giao nhiệm vụ cho bảo vệ kiêm việc dọn dẹp NVS.

Hình thức thứ 3 cũng tương đối phổ biến là các nhà trường tổ chức các phong trào, phát động trong học sinh, trong giáo viên về ý thức sử dụng NVS.

Bộ đang đẩy mạnh phát động phong trào bảo quản sử dụng NVS trong học sinh và giáo viên. Nếu các em có ý thức thì NVS sẽ đảm bảo, đồng thời việc giáo dục ý thức cho học sinh cũng là giáo dục toàn diện cho các cháu, bao gồm cả giáo dục lao động. Bộ đã chỉ đạo các sở chịu trách nhiệm thực hiện việc này.

Xin cảm ơn ông!

Rõ ràng đầu tư xây dựng xong chưa phải là tất cả, bài toán cuối cùng vẫn là công tác tổ chức khai thác quản lý nhà vệ sinh trường học. Đấy mới là giải pháp căn cơ. Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất - Bộ GDĐT - Phạm Hùng Anh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn