MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân cần nâng cao cảnh giác bảo vệ, tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân. Ảnh minh họa: Minh Quang

Nhận diện chiêu trò mới: Đánh cắp thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Huyên Nguyễn - Phương Hà LDO | 09/03/2023 07:52

Phương thức đánh cắp thông tin cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản được giới tội phạm thay đổi liên tục khiến người bị hại khó nhận biết.

Giả làm người quen để đánh cắp thông tin

Một hình thức lừa đảo, mạo danh kiểu mới xuất hiện thời gian gần đây khiến một số người suýt bị lừa.

Chị Minh Hà ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chị nhận được cuộc điện thoại từ số lạ. Một giọng nam giới miền Nam gọi đúng tên chị Hà là có nhận ra ai không? Sau nhiều lần trả lời, chị Hà nghĩ đến một người quen lâu ngày không liên lạc và trả lời: Anh C phải không? Đầu dây bên kia lập tức nhận đúng. Sau khi trò chuyện khoảng 1 phút, “người quen” yêu cầu chị xoá số điện thoại cũ (của anh C) và yêu cầu chị lưu số mới này. 

Sau khi kết thúc cuộc gọi, chị Hà cảm thấy không đúng bởi người quen tên C của chị là một người quan hệ rộng, cần giữ nhiều liên lạc lâu năm, chắc chắn sẽ không đổi số điện thoại vì bất cứ lý do gì. Cảnh giác, chị Hà lập tức gọi điện cho anh C theo số điện thoại đã lưu trước đây thì anh C khẳng định không đổi số và không phải là người vừa gọi điện cho chị. “Suýt chút nữa tôi đã xoá số điện thoại thật của anh C” - chị Hà chia sẻ.

Theo các chuyên gia về an toàn thông tin, đây là chiêu thức mới nhất. Đối tượng sẽ đóng giả làm người quen lâu chưa gặp, qua trao đổi để thu thập thông tin sau đó dùng thông tin này để tạo ra những thông tin giả mạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chiêu thức con bị chấn thương sọ não đang cấp cứu tại bệnh viện: Lo lộ lọt thông tin

Vụ việc mới đây, chị H.H (TP.Thủ Đức) - làm việc tại một ngân hàng nước ngoài than phiền với Lao Động rằng, chị vừa nhận được cuộc gọi của đối tượng lừa đảo với chiêu thức con bị chấn thương sọ não đang cấp cứu tại bệnh viện và đề nghị chuyển tiền gấp. Chị H lo lắng bởi đối tượng này có được thông tin cá nhân của chị và con trong khi chị H là người rất bảo mật về thông tin.

Lên đến vị trí cấp lãnh đạo tại một ngân hàng nước ngoài, chính vì thế, bảo mật thông tin, số điện thoại luôn được chị H đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, sáng 6.3, chị H bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người lạ, xưng là thầy giáo tại trường và thông báo con của chị đã ở bệnh viện, cần chuyển tiền ngay mới thực hiện được ca mổ. Đáng nói, người này đọc vanh vách tên, lớp của con và thông tin cơ bản của chị H khiến chị giật mình.

“Đã đọc cảnh báo trên báo chí nên tôi biết đây là lừa đảo nhưng tôi không ngờ, đối tượng lại nắm rõ thông tin về mình vậy. Trong khi, những điều này, tôi gần như không chia sẻ với người lạ. Tôi có chút lo ngại dữ liệu bị lọt ra từ phía nhà trường” - chị H bày tỏ.

Tương tự, anh N.C - phụ huynh Trường Quốc tế Á Châu - cũng chung mối lo ngại. “Rất nhiều phụ huynh trường tôi đã bị gọi điện và yêu cầu chuyển tiền. Nhiều người đã chuyển vài chục triệu đồng. Vấn đề chúng tôi quan tâm là tại sao đối tượng lại có thông tin của phụ huynh như vậy” - anh C nói với Lao Động.

Siết chặt quản lý

Trước thực tế này, Lao Động đã có cuộc trao đổi với đại diện Trường Quốc tế Á Châu. Theo nhà trường, đơn vị này đã thực hiện bảo mật các thông tin học sinh theo quy định. Thông tin học sinh chỉ được cung cấp cho cơ quan quản lý theo chỉ đạo của ban, ngành trong công tác quản lý đào tạo.

“Khi báo chí thông tin về việc này, nhà trường cũng đã triển khai cảnh báo phụ huynh để cảnh giác kịp thời” - đại diện nhà trường cho biết.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM - cho biết, mọi thông tin của phụ huynh, học sinh liên quan đến ngành giáo dục trên cơ sở dữ liệu ngành đều được bảo mật hết sức nghiêm túc. Ông Minh cũng cảnh báo, phụ huynh cần hết sức thận trọng, cảnh giác khi chia sẻ các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tránh để đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo.

"Hiện nay, phụ huynh thường xuyên thành lập các hội nhóm của phụ huynh trên mạng xã hội, các thông tin cá nhân cũng dễ dàng được đăng tải. Đây có thể là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng lấy thông tin" - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM khuyến cáo.

Ngay từ ngày 6.3, Sở GDĐT TPHCM đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.

Sở GDĐT yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn TPHCM phải rà soát lại số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, cung cấp đến phụ huynh học sinh, đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục. Đường dây nóng phải luôn có người túc trực để phụ huynh liên hệ trong các trường hợp cần thiết.

Ông Minh cũng nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, học sinh - sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin tránh trường hợp thông tin sai sự thật.

Cùng với đó, nhiều trường học đã phát thông báo cảnh báo tới phụ huynh học sinh. Các đối tượng lừa đảo vẫn đang tiếp tục đổi mới chiêu thức và chuyển sang nhiều bệnh viện khác nhau để “dụ” phụ huynh chuyển tiền. Vì thế, các bậc phụ huynh cần hết sức tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn