MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhân rộng mô hình phố đi bộ ở Hà Nội: Không chỉ để mở không gian… đi dạo

HỮU CHÁNH - TRẦN TUẤN LDO | 15/05/2022 07:36

Hà Nội - Theo các chuyên gia, với việc phố đi bộ hình thành ngày càng nhiều, cơ quan quản lý cần tạo cho không gian này có những đặc trưng, giá trị riêng, từ đó mới tạo ra thế mạnh để có thể thu hút người dân, khách du lịch.

Hiện tại, TP.Hà Nội đang dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị trên cả nước. Ngoài phố đi bộ hồ Gươm và quanh khu phố cổ, Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây, thời gian tới, Thủ đô sẽ mở thêm không gian đi bộ ở nhiều quận huyện như quận Ba Đình, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng...

Tháng 3 vừa qua, phố đi bộ ở Hà Nội mở cửa đón khách trở lại sau gần một năm đóng cửa vì dịch bệnh. Không khí tại khu vực quanh hồ Gươm trở nên nhộn nhịp, sôi động vào những ngày cuối tuần.

Trái lại, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) lại chưa nhận được sự ưu ái của người dân Thủ đô. Chỉ đến cuối tuần qua, khi tuyến phố này được tân trang và tái tạo lại, cảnh đông đúc mới xuất hiện sau 4 năm không gian đi bộ này hoạt động cầm chừng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở nhiều phố đi bộ nhưng không tạo được điểm nhấn thu hút khách thì cũng giống như mở rộng một không gian để người dân tập thể dục.

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng mô hình phố đi bộ đầu tiên ở Hà Nội đã rất thành công. Chính vì sự thành công đó, các nhà quản lý mong muốn có thể mở thêm các tuyến phố đi bộ ở các nơi khác để người dân có không gian sinh hoạt cộng đồng, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo các hoạt động văn hóa - nghệ thuật...

Sau 4 năm hoạt động cầm chừng, cuối tuần qua, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đón du khách trở lại. Ảnh: Hữu Chánh.

"Đó là một chủ trương phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, từ chủ trương đến việc thực hiện cần phải lưu ý đến các yếu tố khác nhau để phù hợp và đáp ứng nhu cầu của công chúng, những người đi bộ ở khu vực đó", ông Sơn nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc thành công ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng không đảm bảo cho sự thành công khi mở các tuyến phố đi bộ khác. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý phải xây dựng phố đi bộ có một đặc trưng, giá trị riêng, từ đó mới tạo ra thế mạnh để có thể thu hút người dân, khách du lịch...

"Mục tiêu mở không gian đi bộ là thu hút du khách. Chỉ khi mô hình này trở nên hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch thì đó mới là sự thành công của phố đi bộ", ông Sơn nói.

Cùng trao đổi, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, phố đi bộ hồ Gươm đã làm tốt việc thu hút người dân. Tuy vậy, đây mới đơn thuần là không gian sinh hoạt cộng đồng chứ chưa khai thác hết tiềm năng về kinh tế, du lịch, văn hóa.

Khu vực phố đi bộ cho thuê xe dành cho trẻ nhỏ. Ảnh: Giang Thiện.

Ông Chính nêu dẫn chứng, các hoạt động cho thuê xe điện trẻ em, bán hàng rong... đem lại rất ít nguồn thu cho địa phương. Còn nhảy hiện đại, vẽ tranh truyền thần... hầu hết tự phát, chưa tương xứng với phối cảnh, đặc trưng văn hóa của Hồ Gươm.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, mô hình phố đi bộ Hà Nội cần hướng tới là tuyến đường mang đậm bản sắc đô thị, có vị trí đắc địa về thương mại, kinh doanh.

"Như phố Tràng Tiền - tuyến có ý nghĩa quan trọng nối hai địa điểm lịch sử của Hà Nội là Hồ Gươm với Nhà hát Lớn cần cải tạo toàn bộ tuyến theo không gian đóng, tức là chỉ cho phép đi bộ, phương tiện sẽ được điều tiết sang hướng khác. Xung quanh phố này bố trí nhiều bãi đỗ xe, ga ngầm, trạm buýt để phục vụ người dân từ các nơi đổ về", ông Chính nói.

Nhiều bạn trẻ say mê môn thể thao tại phố đi bộ. Ảnh: Nguyễn Long.

Đồng quan điểm, Giáo sư Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phát triển phố đi bộ, văn hóa đi bộ là xu hướng tốt nhưng cần tránh dàn trải, tránh "quận nào, huyện nào cũng đòi mở phố đi bộ".

"Nếu phố đi bộ được hình thành ngày càng nhiều, thực hiện vội vàng, không nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư bài bản thì sẽ không thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng. Trong khi những tiêu chí đô thị còn thiếu là không gian xanh, công viên thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức", ông Liên nói.

Theo ông, phố đi bộ phải là nơi văn hóa đi bộ gắn bó chặt chẽ với văn hóa ẩm thực cũng như nghệ thuật biểu diễn đường phố.

"Phải hướng tới mục tiêu xa hơn của phố đi bộ là thu hút khách du lịch quốc tế thay vì đơn thuần chỉ là không gian để người dân đi dạo", Giáo sư Liên nhận định.

Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: LĐO. 

Ngày 1.10.2004, phố đi bộ đầu tiên qua Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khai trương.

Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã thêm ba lần mở các tuyến phố đi bộ mới và mở rộng không gian đi bộ hiện có. Sau thành công của phố đi bộ hồ Gươm, một loạt không gian đi bộ khác được triển khai như phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ); phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).

Ba quận khác có kế hoạch mở phố đi bộ là quận Hoàng Mai (tại khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3, dự kiến thí điểm cuối năm 2022); quận Ba Đình (tuyến phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, dự kiến khai trương quý IV/2023) và quận Hai Bà Trưng (phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, dự kiến đầu năm 2023).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn