MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ mô hình giảm nghèo hiệu quả, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: MTTQ Việt Nam

Nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả trên cả nước

KHÁNH AN LDO | 28/11/2023 16:13

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ đó đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại tỉnh Bạc Liêu, gia đình chị Trần Thị Hiền (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) có đất sản xuất nhưng lại thiếu vốn đầu tư. Do đó, khi nhận được nguồn vốn vay 25 triệu đồng từ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, chị đã cải tạo đất, trồng các loại rau màu.

Tùy vào thời tiết và nắm bắt nhu cầu thị trường mà lúc thì chị xuống giống trồng hẹ bông, khi thì trồng rau quế. Có vốn, gia đình chị mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được lượng nước tưới tiêu, vừa tận dụng thời gian để làm thêm công việc khác.

"Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình tôi ngày càng được cải thiện. Thu nhập từ bông hẹ, lá hẹ, rau quế… mang về cho gia đình khoảng 16 triệu đồng/tháng” - chị Hiền cho biết.

Chị Trần Thị Hiền (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chăm sóc, cắt tỉa rau quế. Ảnh: MTTQ Việt Nam

Tại Bắc Giang, gia đình chị Hoàng Thị Thế (sinh năm 1973, dân tộc Tày ở thôn Hố Luồng) là một trong những hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ sinh kế. Chị Thế vẫn còn nhớ, khoảng 10 năm trước, cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn.

Do chồng chị sức khoẻ không tốt nên một mình chị chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, lo trang trải cuộc sống gia đình 5 nhân khẩu, 3 con còn nhỏ. Trở ngại nhất với gia đình lúc đó là không có vốn và chưa tìm được hướng sản xuất phù hợp nhưng chị Thế luôn mong mỏi thoát nghèo.

Năm 2017, chị và 8 hộ nghèo khác trong xã, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo của huyện. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tỉ mỉ quy trình nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh, đến nay, chị đã xuất bán được 4 lứa.

Từ nguồn tích luỹ, cùng với vay mượn thêm người thân, năm 2019, chị Thế còn cải tạo khu vườn đồi cằn cỗi trồng 50 gốc vải thiều trước đó. Nhờ mạnh dạn đầu tư thêm từ nguồn hỗ trợ ban đầu, năm 2022, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Tương tự, gia đình anh Tạ Văn Mạnh (sinh năm 1979, thôn Lãng Sơn, xã Đông Hưng, Lục Nam, Bắc Giang) cũng thoát nghèo nhờ nguồn hỗ trợ vốn vay.

Trước đây, ngoài làm nông, vợ chồng anh Mạnh không có việc làm thêm, điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn. Năm 2019, nhờ Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp, gia đình anh được vay 90 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm (do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý).

Thêm nữa, được cán bộ chuyên môn tư vấn lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp ở địa phương, anh Mạnh đầu tư thêm vốn trồng hơn 1 ha rừng keo và gần 100 cây bưởi Diễn. Lấy công làm lãi, vợ chồng anh chăm chỉ vun trồng, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc của chủ vườn đi trước ở địa phương.

Đến nay, rừng keo đang phát triển tốt, chỉ còn hơn 1 năm nữa được thu hoạch, lứa bưởi đầu cho năng suất cao. Anh Mạnh đã tự nguyện xin thoát nghèo vào đợt rà soát năm 2022.

Thực tế trong nhiều năm qua, “rào cản” lớn nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế gia đình là vốn đầu tư và khoa học - kỹ thuật. Nhưng “rào cản” này đã được nhiều địa phương tháo gỡ bài bản thông qua việc huy động các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội cùng vào cuộc.

Bằng cách trao cho người nghèo “chiếc cần câu”, như: hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề và chia sẻ kinh nghiệm… đã giúp nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình.

Hầu hết những hộ nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế, chủ yếu là mô hình chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ hoặc tham gia một số dịch vụ khác như rửa xe, sửa chữa xe máy đã nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn