MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo - nhân tài thu hút của Nghệ An 9 năm chưa được vào biên chế. Ảnh: PV

Nhân tài mòn mỏi chờ vào biên chế

QUANG ĐẠI LDO | 12/02/2020 10:00
Theo Quyết định 2218/2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Nghệ An thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao đối với các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên đến nay, tỉnh này vẫn giao biên chế cho các tổ chức hội, trong khi hàng chục cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài mòn mỏi chờ đợi được vào biên chế.

Chậm thực hiện quyết định của Thủ tướng

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2218, ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39 ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kế hoạch nêu: “Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao”.  

Tuy nhiên, đến năm 2020, Nghệ An vẫn thực hiện giao 87 chỉ tiêu biên chế, cấp lương hằng năm cho 14 tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Trong đó, Liên minh Hợp tác xã 21 biên chế, Hội Chữ thập đỏ 33 biên chế, Hội Y học cổ truyền 3 biên chế, Hội Làm vườn 2 biên chế, Hội Châm cứu 1 biên chế…

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An - lý giải hiện tượng nói trên là do “trước đây”. Phóng viên trao đổi vì sao Quyết định của Thủ tướng yêu cầu từ 2017 nhưng Nghệ An chưa thực hiện, ông Ngô Tất Tiềm - Phó Phòng Tổ chức biên chế và Tổ chức phi chính phủ, Sở Nội vụ Nghệ An - giải thích, do Sở Tài chính tỉnh chưa tham mưu ban hành quyết định về định mức khoán kinh phí, nên vẫn phải áp dụng theo hình thức biên chế. “Họ là biên chế  rồi không thể cắt lương họ được” - ông Ngô Tất Tiềm nói.             

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Đức - Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An - lại nói rằng, nguyên nhân chưa thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí đối với các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp là vì Sở Nội vụ chưa xác định được các công việc cụ thể mà Nhà nước cần giao cho các tổ chức này. Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ, các hội đặc thù được hỗ trợ kinh phí hoạt động. “HĐND tỉnh và Sở Nội vụ giao biên chế, chúng tôi có trách nhiệm cấp tiền lương” - ông Đức nói.

Cán bộ chuyên môn Sở Tài chính tỉnh Nghệ An giải thích thêm: Mặc dù Quyết định 2218 đã xác định rõ lộ trình, nhưng trung ương chưa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện; đồng thời văn bản về việc cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao đối với các tổ chức hội đặc thù vẫn còn hiệu lực. Về vấn đề này, Sở Tài chính Nghệ An đã có kiến nghị với đoàn công tác của Bộ Tài chính vào cuối năm 2019.

Nhân tài mòn mỏi chờ biên chế

Trong khi một số tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp vẫn thực hiện chế độ biên chế, thì hàng chục cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài của tỉnh Nghệ An mòn mỏi chờ đợi được vào biên chế. Tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Nghệ An, đến năm 2020, còn 44 trường hợp thu hút chưa được vào biên chế (vì chưa được phân biên chế), có trường hợp đã chờ đợi hàng chục năm. Trong số này, 11 trường hợp do có sai sót trong khâu tuyển dụng (do lỗi từ cơ quan chức năng) đang rất bấp bênh. Năm 2019, có một thời gian, 11 trường hợp này bị chậm lương, năm nay có thể tiếp tục tái diễn.

Đại diện Sở Nội vụ và Sở NNPTNT Nghệ An đều cho hay, các trường hợp thu hút nhân tài chưa được vào biên chế do biên chế chưa được phân bổ, khi nào có thì ưu tiên các đối tượng này. Tuy nhiên, việc bố trí các đối tượng này gặp khó khăn do chính sách tinh giản biên chế. Những trường hợp nhân tài thu hút này cũng chịu thiệt thòi là không được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý dù đầy đủ các tiêu chuẩn, với lý do là “chưa vào biên chế”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn