MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhân viên văn phòng phát 4G để làm việc khi mất điện

KHÁNH AN LDO | 08/06/2023 13:35

Hà Nội - Nhiều nhân viên văn phòng ở Hà Nội phải dùng 4G, mua cục phát wifi để làm việc, số khác phải di chuyển về nhà vì công ty mất điện.

Đang dựng video sản phẩm cho khách hàng, màn hình máy tính của Hoàng Tiến Việt (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) chuyển màu đen ngòm vì mất điện.

Anh Việt cho biết, 10h sáng ngày 7.6, công ty anh bị mất điện mà không được thông báo trước. “Trong khi deadline đang ngập đầu, khách hàng giục gửi sản phẩm thì công ty lại bị mất điện”. 

Các đồng nghiệp của Việt sau đó phát 4G từ điện thoại để sử dụng cho máy tính xách tay. Còn anh thì loay hoay không biết làm thế nào để lấy được dữ liệu từ chiếc máy tính để bàn. 

Khoảng 2 tiếng sau, phía lãnh đạo công ty quyết định cho nhân viên về nhà làm việc vì không biết khi nào mới có điện trở lại. Trong khi đó, anh Việt vẫn cố chịu nóng, bám trụ lại công ty với hy vọng sẽ sớm có điện để hoàn thiện sản phẩm gửi khách hàng. 

“Đến chiều, tôi phải gọi điện xin lỗi khách và hẹn ngày hôm sau sẽ gửi sản phẩm vì lí do mất điện” - anh Việt kể lại. 

Anh Việt cho biết, những đồng nghiệp ở công ty có thể làm việc linh hoạt trong trường hợp bị mất điện bất ngờ. Họ có thể phát 4G để dùng, hoặc ra quán cà phê, về nhà làm việc. 

Song với đặc thù công việc của anh, mọi dữ liệu đều được lưu trữ trong máy tính để bàn thì việc mất điện khiến anh “bất lực hoàn toàn”. 

  Công ty của Tiến Việt mất điện sáng 7.6. Ảnh: NVCC

Sau 2 lần công ty bị mất điện, Nguyễn Thị Bích Ngọc (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận Hà Đông) quyết định sắm chiếc quạt tích điện để bàn và cục phát wifi.

Thế nhưng, khi máy tính xách tay dần cạn pin, 2 thiết bị này dường như cũng không còn tác dụng. 

Khi đó, Ngọc cùng đồng nghiệp rủ nhau tìm một quán cà phê hoặc Coworking space (mô hình văn phòng chia sẻ không gian chung với nhiều doanh nghiệp khác nhau) để làm việc. 

Ngọc phân tích, nếu ra quán cà phê, cô sẽ cần chi trả từ 50.000 đồng – 70.000 đồng tiền đồ uống. Thế nhưng, không gian tại quán cà phê lại không yên tĩnh, nhiều nơi bàn ghế cũng không phù hợp để làm việc.

Trong khi đó, tại Coworking space, không gian sẽ yên tĩnh hơn nhưng chi phí thường cao gấp đôi, gấp 3. 

“Nếu được thông báo trước về lịch cắt điện, tôi sẽ xin làm việc tại nhà. Thế nhưng do mất công di chuyển từ nhà ở quận Cầu Giấy sang quận Hà Đông làm việc, thời tiết cũng nắng nóng nên tôi tìm luôn một địa điểm gần công ty để làm việc” – Ngọc nói. 

Trong khi đó, Nguyễn Thị Diệu (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân), sau 2 tiếng toát mồ hôi ngồi chờ đã phải lái xe về nhà vì công ty mất điện.

Diệu cho biết, công ty của cô mất điện từ 8h sáng đến 16h hôm qua (7.6). Do mất điện bất ngờ nên phía công ty không có phương án dự phòng cho nhân viên. 

“Công ty mình làm trong lĩnh vực bảo mật thông tin cho khách hàng. Vậy nên, phải truy cập vào mạng công ty thì mới có thể có được dữ liệu trong hệ thống.

Trong trường hợp làm việc từ xa thì phía công ty phải lên phương án từ trước để cho nhân viên được phép truy cập vào máy ảo của công ty” - Diệu nói. 

2 tiếng sau khi mất điện, Diệu lái xe từ quận Thanh Xuân về nhà ở quận Hà Đông. Công ty thông báo buổi chiều nhân viên sẽ được nghỉ và làm bù vào ngày cuối tuần. 

This browser does not support the video element.

Nguyễn Diệu và các đồng nghiệp được cho nghỉ làm buổi chiều vì công ty mất điện. Video: NVCC

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.

"Hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày", ông Trần Việt Hòa thông tin.

Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, trong những ngày vừa qua, EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc.

Ngày 5.6, tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609 MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264MW.

Ông Trần Việt Hòa cũng cho biết: “Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và ngành điện đã nỗ lực có nhiều giải pháp để cung ứng điện.

Tuy nhiên, với bất kỳ lý do gì và nỗ lực như thế nào nhưng việc để thiếu điện cung ứng cho sự phát triển kinh tế xã hội là trách nhiệm không thể thanh minh của các cơ quan quản lý Nhà nước và ngành điện. Tôi xin thay mặt cơ quan quản lý Nhà nước và ngành điện xin gửi lời xin lỗi đến nhân dân và doanh nghiệp”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn