MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn hộ của người dân nhập cư vào TP. Hồ Chí Minh.(Ảnh minh họa)

Nhập khẩu vào TPHCM cần 20m2 sàn/người: Nâng chuẩn khó ngăn được dòng người nhập cư

BẢO CHƯƠNG - THANH VY LDO | 06/03/2018 07:30
Theo đề xuất mới nhất của Sở Xây dựng TPHCM, người có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân với diện tích tối thiểu 20m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu).

Từ năm 2014 đến nay, Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức họp bàn rất nhiều lần với 24 quận, huyện, các sở, ngành liên quan để đi đến thống nhất đề xuất mức diện tích sàn nhà ở bình quân tối thiểu 20m2 sàn/người; đồng thời diện tích bình quân này sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của TPHCM theo từng thời kỳ.

Sở Xây dựng cho rằng, việc ban hành quy định diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân là cần thiết, nhằm đáp ứng được vấn đề nhập cư, giãn dân và tạo môi trường sống cho người dân tại địa bàn TPHCM được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.

Hiện nay, diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn là 5m2/người, bằng 1/4 diện tích so với mức đề xuất mới. Chính vì vậy, đang có nhiều ý kiến trái chiều với việc nâng chuẩn này.

Khó khăn cho người lao động nhập cư

Những người lao động nhập cư hiện nay thường đăng ký thường trú, tạm trú theo địa chỉ các phòng trọ. Theo khảo sát thực tế, hầu hết các dãy trọ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố, chủ trọ xây diện tích sàn mỗi phòng trọ chỉ khoảng 15 - 20m2. Mỗi phòng trọ thường có từ 3 người độc thân hoặc gia đình từ 3 - 4 người cùng ở.

Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, mức diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu 20m2 sàn/người là yêu cầu quá cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư trên địa bàn thành phố hiện nay.

Vợ chồng chị Thuyết (công nhân làm việc tại KCX Tân Thuận) có 4 người, hiện đang thuê phòng trọ rộng 15m2 hướng Nhà Bè với giá khoảng 3 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh chị đang muốn đăng ký hộ khẩu thường trú để có thể tạo điều kiện cho con cái chuẩn bị đi học. Khi được hỏi về việc nếu nhà nước nâng điều kiện nhập khẩu phải có diện tích chỗ ở bình quân 20m2/người, vợ chồng anh chị rất hoang mang vì với thu nhập của 2 vợ chông hiện tại chỉ đủ thuê nhà nhỏ với mức giá thuê thấp để còn dành dụm tiền cho con cái đi học.

Chị Thuyết cho biết, trước đây, nghe chính quyền nói là ở khu vực huyện vùng ven thì điều kiện nhập khẩu sẽ “nhẹ nhàng” hơn, thế nhưng giờ đây, ngay cả huyện cũng bị áp quy định tăng diện tích tối thiểu bình quân thì quả là ép người lao động. “Chúng tôi đi làm, ít nhiều cũng đóng góp cho sự phát triển của thành phố, thiết nghĩ, công sức của chúng tôi cần được coi trọng. Nếu không được đăng ký, về lâu dài, con cái của họ bị thiệt thòi về chăm sóc y tế, việc làm, học tập” - chị Thuyết nêu ý kiến.

Ý kiến độc lập của 1 vị lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho rằng, quy định diện tích tối thiểu cũng không làm giảm áp lực dân số và hạ tầng của TPHCM. Trong khi đó, tình trạng nhiều người tạm cư không ổn định sẽ gây khó cho quản lý cư trú và ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Nếu không được đăng ký, về lâu dài, con cái của họ bị thiệt thòi về chăm sóc y tế, việc làm, học tập.

“Những người nhập cư đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của TPHCM. Hạn chế lao động di cư sẽ gây khó cho việc đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế TPHCM”.

Can thiệp bằng biện pháp hành chính là lạc hậu

Theo TS Trương Huy Mai, hiện Việt Nam là một trong số rất ít nước còn dùng hộ khẩu để quản lý con người. Đa số các nước dùng hộ chiếu, người dân muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở. Siết điều kiện nhập hộ khẩu vào Hà Nội hay TPHCM đều là đi ngược lại xu hướng quản lý hiện đại.

Hạn chế việc tập trung quá đông dân vào khu vực trung tâm là cần thiết, nhưng nên thực hiện bằng những giải pháp kinh tế, còn can thiệp bằng biện pháp hành chính như hạn chế nhập hộ khẩu thì thực tế vẫn không ngăn được số lượng dân di cư vào khu vực đô thị mà chỉ gây thêm khó khăn cho người dân. Bởi vì, trong thực tế, việc đăng ký thường trú và chỗ ở của người dân hoàn toàn khác nhau.

Trên thực tế, người dân nhập cư đến TPHCM không phải vì muốn được đăng ký hộ khẩu thường trú, mà họ đến TPHCM và ở lại vì họ tìm được việc làm, tìm được cơ hội khởi nghiệp, cơ hội tiến thân. Họ chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú vì những mục đích khác. Do đó, việc tăng điều kiện được đăng ký hộ khẩu vào thành phố không hẳn ngăn được dòng người nhập cư từ các tỉnh.

“Tuy nhiên, sự phát triển của các đô thị cùng với số lượng người nhập cư đổ về các thành phố ngày càng lớn đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền đô thị như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, thiếu nhà ở… Vì vậy, phải nhìn nhận rằng, không một nhà quản lý nào lại hào hứng đón nhận số dân nhập cư ngày càng gia tăng.

Vấn đề là phải có các chính sách hợp lý, mềm dẻo để có thể giải quyết tốt nhất những hệ quả của nó. Để giải quyết vấn đề dân nhập cư phải bắt đầu bằng việc thay đổi nhận thức, thái độ từ cả hai phía. Về phía người nhập cư, họ phải tôn trọng thành phố với lối sống văn minh, hành xử theo pháp luật.

Về phía chính quyền, phải trân trọng những đóng góp của người nhập cư, coi người nhập cư như 1 bộ phận hữu cơ của thành phố chứ đừng định kiến, coi họ là “thù địch” hay “của nợ” - TS Trương Huy Mai nêu quan điểm.

Ông Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, việc đưa ra những con số bình quân chỉ áp dụng để đề ra các chiến lược phát triển chứ không phải dựa vào để ban hành quyết sách cụ thể cho người dân vì dễ duy ý chí, mang tính bao cấp và hình thức.

Theo ông, nâng diện tích nhà ở tối thiểu là 1 biện pháp để siết việc nhập hộ khẩu vào TPHCM, nhưng việc này có thể làm mất lòng dân. Một đô thị có nhiều cơ hội sẽ thu hút người nhập cư, đó là quy luật tất yếu. Nhiệm vụ của chính quyền là có những chính sách tận dụng được nguồn lực ấy, đi kèm giải quyết quyền lợi cơ bản cho họ như chỗ ở, việc làm, học tập…

Chống tập trung quá đông vào khu vực trung tâm là cần thiết, nhưng nên thực hiện bằng những giải pháp kinh tế. Can thiệp bằng biện pháp hành chính như hạn chế nhập khẩu không ngăn được số dân đổ về đô thị mà chỉ gây khó khăn cho họ. Cuối cùng, hệ quả cũng do thành phố giải quyết”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn