MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ chỉ còn lác đác các ki ốt bán quần áo. Ảnh: Minh Nguyễn

Nhếch nhác chợ trên đất vàng

Minh Nguyễn - Đinh Đại LDO | 09/01/2024 06:23

Sau nhiều năm sử dụng, một số hạng mục, công trình tại chợ trung tâm rộng gần 11.000m2 giữa lòng TP Hòa Bình bị xuống cấp. Cùng với đó là vắng khách khiến tiểu thương không còn mặn mà với việc kinh doanh trong chợ.

Chợ vắng tiểu thương giữa khu phố sầm uất

Chợ Phương Lâm nằm trên trục đường Cù Chính Lan, thuộc địa phận phường Phương Lâm, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Dù có một vị trí địa lý đắc địa, lượng người qua lại khá đông. Song, trái ngược với vẻ tấp nập thường thấy ở những khu chợ khác, nơi đây lại vắng vẻ, đìu hiu.

Khu chợ được xây dựng với dãy nhà 3 tầng, tổng diện tích trên 10.800m2. Trong đó gồm 4.360m2 xây dựng nhà chợ chính và khoảng 6.300m2 diện tích xây dựng các công trình phụ trợ, dịch vụ.

Có mặt tại chợ Phương Lâm trong những ngày đầu tháng 1, khu chợ từng được mệnh danh là chợ vải lớn nhất Hòa Bình và khu vực Tây Bắc, PV ghi nhận sự ảm đạm, vắng khách.

Nhiều tiểu thương dọn hàng xong ngồi lướt điện thoại, nói chuyện phiếm, tính toán tiền hàng, thậm chí là tập thể dục tại chỗ. Một số tiểu thương chỉ trông chờ vào lượng khách quen, hầu như cả ngày không bán được mặt hàng nào cho khách lẻ.

Chị Phùng Thị Hồng (tiểu thương tại chợ Phương Lâm) cho biết: “Hầu như trong chợ không có nhiều hoạt động buôn bán diễn ra, nơi đây khá vắng vẻ, đìu hiu. Chợ cứ để không vậy, lãng phí lắm”.

Theo chị Hồng, việc kinh doanh không ổn định khiến thu nhập bị suy giảm, nhiều tiểu thương phải bán, cho thuê ki ốt hoặc chuyển ra ngoài để bán. Cũng rơi vào cảnh có người bán nhưng chẳng có người mua, anh Nguyễn Huy Hoàng, một tiểu thương khác cho biết, có ngày thì bán được 1-2 bộ quần áo, có ngày thì chẳng mở hàng được gì cả.

Anh Hoàng cho hay, một trong những nguyên nhân khiến nhiều tiểu thương trả lại mặt bằng là do không có khách mua, đồng thời phải gánh đủ loại chi phí cố định như thuê ki ốt, nhập hàng…

Đến xuống cấp, nhếch nhác

Theo ghi nhận của PV vào ngày 6.1, nhiều hạng mục trên tầng 2 đang bỏ hoang như ki ốt, nhà vệ sinh, nhà điều hành... Các hạng mục này bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cửa ra vào được che chắn tạm bợ bằng những tấm bạt, gỗ ép. Các cánh cửa sổ bị vỡ kính, nhà vệ sinh không được dọn dẹp thường xuyên nên vô cùng bẩn, trở thành nơi chứa rác, để đồ của các tiểu thương.

Không chỉ vậy, phía sau các ki ốt bị biến thành chỗ để các vật dụng của quán ăn bên cạnh sông Đà.

Đặc biệt, hệ thống vòi nước chữa cháy đang bị han gỉ, hỏng hóc do không được bảo dưỡng thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu xảy ra sự cố cháy nổ.

Ông Đặng Văn Hùng (tiểu thương tại chợ Phương Lâm) cho biết, chợ này đã xuống cấp gần chục năm nay, nguy cơ xảy ra chập cháy là rất cao. Nhiều khách hàng không dám đến vì sợ mất an toàn. Theo ông Hùng, nhiều tiểu thương ở đây cả ngày không bán được gì vì không có khách nào đến.

Còn theo một số tiểu thương khác, trước đây ở trên tầng 2 có khoảng 50 hộ kinh doanh, nhưng hiện tại chỉ còn 6 hộ kinh doanh bám trụ lại. Việc ít khách, lại phải đóng cửa nhiều nên các hạng mục, công trình tại chợ cũng bị bỏ hoang, không được bảo trì thường xuyên.

"Không có khách và các hộ kinh doanh cũng ít dần thì sửa chữa làm gì", một tiểu thương nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đặng Đình Sơn - Chủ tịch UBND phường Phương Lâm xác nhận về tình trạng xuống cấp của chợ.

"Phường đã cử người đi kiểm tra, đề nghị Ban quản lý chợ chuẩn bị hồ sơ để trình lên cấp có thẩm quyền để có phương án cải tạo chợ" - ông Sơn cho hay.

Theo giới bất động sản ở Hòa Bình, đất ở đường Cù Chính Lan thuộc vị trí đất vàng của thành phố. Khu vực này là nơi buôn bán vô cùng sầm uất, nhộn nhịp. Giá đất hiện tại rơi vào khoảng 100 triệu đồng/m2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn