MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiệt huyết cho những dòng tin chảy mãi

Tạ Quang LDO | 26/05/2022 16:00
Hơn một năm gắn bó với Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong tuổi trẻ của tôi. Nó đẹp không chỉ bởi những chuyến đi hay những người bạn mới tại đây, mà còn đẹp bởi tôi đã được sống hết mình với nghề - niềm đam mê bất tận của tôi.

Những dòng tin tức không ngừng

Tôi nhận nhiệm vụ luân chuyển công tác từ Hà Nội vào Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL vào đầu tháng 4.2021. Chỉ sau 3 tháng nhận công tác, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại thành phố Cần Thơ khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Cùng với các lực lượng tuyến đầu, tôi và anh em đồng nghiệp các cơ quan báo chí tại đây đã luôn luôn có mặt tại những điểm nóng để tác nghiệp. Tin tức thời sự xung động, nóng bỏng khiến tôi quên luôn sự sợ hãi của bản thân khi sống giữa đại dịch. Những thước phim, bài báo, những câu chuyện xúc động trong quá trình tác nghiệp luôn thúc giục tôi phải truyền tải đến bạn đọc một cách chính xác, nhanh chóng, chân thực nhất...

Tôi còn nhớ như in, khoảng 12h trưa 10.7.2021, thành phố Cần Thơ ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại chợ đầu mối Tân An. Tôi và phóng viên Minh Ánh đang ăn cơm thì nghe tin chợ có ca mắc. Không suy nghĩ nhiều, ngay tức khắc, chúng tôi không ai nói với ai câu nào, cả 2 đều bỏ bát cơm đang ăn dở xuống và nhanh chóng chuẩn bị máy móc, sẵn sàng lên đường tác nghiệp. Cứ thế, chúng tôi lao vào điểm nóng mà không nghĩ suy gì.

Thời gian đó, anh em báo chí tại thành phố Cần Thơ làm việc không ngừng nghỉ. Nhìn những người đồng nghiệp của tôi lăn xả, dấn thân, tôi không khỏi xúc động và cảm thấy tự hào về con đường mình lựa chọn. Họ, những người cầm bút mang sứ mệnh tiên phong trên “tuyến lửa” truyền thông trong công tác phòng, chống dịch, quyết tâm cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Khi thành phố Cần Thơ bắt đầu xuất hiện những ca bệnh đầu tiên vào khoảng giữa tháng 7.2021. Thời điểm này, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện khá nhiều thông tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh, gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Xác định vai trò của báo chí chính thống, tôi luôn cố gắng thực hiện tin, bài liên quan đến dịch bệnh nhanh nhất, chính xác nhất.

Những tháng ngày rong ruổi

Mỗi lần đi tác nghiệp tại ĐBSCL là một chặng đường khá dài, tôi thường phải chạy xe máy mất nhiều giờ đồng hồ dưới cái nắng oi bức, có khi xuất hiện thêm những cơn mưa rào bất chợt của thời tiết miền Tây. Trên những con đường gồ ghề đầy sỏi đá, tôi vẫn hăm hở đi với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, trước mắt tôi là chân trời mới lạ. Vì thế, dù khó khăn như thế nào, tôi cũng quyết không nản lòng.

Cũng phải nói rằng, nhắc đến miền sông nước là phải nhắc đến những con kênh, con rạch,..khá phức tạp khiến việc di chuyển của tôi trong mỗi lần tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Có lẽ, điều tôi ấn tượng và cũng sợ hãi nhất là những cây cầu ở đây. Đó là những cây cầu bắc qua con kênh, con mương, con rạch ở miền Tây, có khi ngắn chừng 5-10 m, có khi cũng dài cỡ 50 m, suốt từ bờ rạch này sang bờ rạch kia.

Thế nhưng, điều khác biệt với những cây cầu ngoài Bắc là cầu ở đây được thiết kế cao hơn để ghe, thuyền của người dân di chuyển phía dưới. Không chỉ cao, những cây cầu còn nhỏ và hẹp khiến tôi cảm tưởng như những cây cầu này được thiết kế riêng cho người đi bộ. Bởi vậy, mỗi lần di chuyển qua những cây cầu đó, tôi luôn cảm thấy “tim đập, chân run”, phải lấy hết sự can đảm tôi mới dám đi qua đó.

Những miền quê vùng sông nước Cửu Long mà tôi đặt chân đến luôn để lại cho tôi những kỉ niệm và cảm xúc khó quên. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là tấm chân tình của bà con miền Tây. Thời gian dịch bệnh căng thẳng, tôi đã chứng kiến những điều đẹp đẽ từ vô số hành động dù chỉ là nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn của người dân ở quê dành cho nhau.

Đặc biệt ở khu vực miền Tây thì lưu lượng người lao động khá cao nên cuộc sống của họ trong thời gian thành phố phong toả gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, họ đã nương tựa và cùng nhau đi qua quãng thời gian khó khăn đó. Con người miền Tây luôn thân thiện, sống tình cảm và yêu đời, yêu người, hiền lành, chất phát. Những nơi tôi đến, những người tôi gặp, trước tiên họ bày tỏ bằng những nụ cười trên đôi môi, ánh lên niềm vui ở gương mặt.

Có lẽ mai này, khi trở về Thủ đô Hà Nội, tôi sẽ nhớ mãi miền Tây, về những tháng năm làm báo ở nơi này. Cái xứ gì mà dễ thương quá đỗi, nghèo hay giàu, sướng khổ gì không biết, cứ cười trước đã, thoải mái hết hôm nay, chuyện mai tính sau.

Mảnh đất gì mà ai đi đâu cũng nhớ, cũng thương, mong muốn tìm về!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn