MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tách Tổng cục Đường bộ, sáp nhập nhiều cục, vụ. Ảnh: CL

Nhiều băn khoăn trước đề xuất tách Tổng cục Đường bộ thành hai cục

PHẠM ĐÔNG LDO | 18/06/2022 12:54
Một số ý kiến cho rằng việc sắp xếp lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo hướng chia tách riêng quản lý đường bộ thành quản lý quốc lộ và quản lý đường bộ cao tốc sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo. Ý kiến khác cho biết sẽ làm tăng tính hiệu quả của việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ cao tốc.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có tờ trình gửi Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.

Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Theo Bộ GTVT, đây là tổng cục duy nhất thuộc Bộ GTVT, là đầu mối tập trung quản lý hệ thống quốc lộ (với 154 tuyến dài gần 25.000 km) và đường cao tốc (với 19 tuyến dài 1.163 km; dự kiến đến năm 2030 có 5.000 km). 

Cao tốc cũng là 1 cấp đường, 2 đơn vị quản lý sẽ chồng chéo

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, xu hướng chung của cả nước sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, việc sắp xếp đầu tiên của các bộ là giảm tổng cục để tinh gọn.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Hà Thanh

Theo ông Dĩnh, hiện nay Bộ GTVT dù chỉ có một tổng cục đường bộ nhưng không nên tách thành hai cục đường bộ.

Tổng cục Đường bộ chỉ cần sắp xếp lại thành Cục Đường bộ Việt Nam là đủ. Bởi lẽ đường cao tốc cũng thực chất là đường bộ, chỉ khác tốc độ thiết kế chứ không phải như 5 chuyên ngành hiện có (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không).

Trong khi đó, hiện tổng cục mang chức năng nhiệm vụ rất cồng kềnh, đơn vị này cũng không thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chức năng này vẫn thuộc về bộ. Đồng thời, tổng cục vẫn còn các vụ, cục chuyên ngành, có nhiều đơn vị bên trong. Nếu chuyển từ tổng cục xuống cục đường bộ sẽ giúp Bộ GTVT quản lý về lĩnh vực này.

Ông Dĩnh cho rằng, đường bộ và đường cao tốc hiện chỉ khác nhau trong khoản đầu tư và tốc độ thiết kế. Tuy nhiên việc này sẽ dẫn đến trường hợp có 2 cục cùng làm một nhiệm vụ. Bởi đường bộ là khái niệm nói chung, được cấu thành bởi nhiều cấp đường (Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng).

Cao tốc thực tế chỉ là một cấp đường, một lĩnh vực trong đường bộ. Đường này chỉ có hợp đồng BT và BOT nhưng cũng mang tính chất đường bộ. Do vậy, việc tách ra làm 2 đơn vị quản lý sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo trong quản lý và lãng phí nguồn nhân lực.

"Chuyên ngành sẽ tốt hơn"

Ở một góc nhìn khác, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, các cục sẽ có tính chất kỹ thuật chuyên sâu hơn tổng cục, do đó việc chuyển thành cục là đúng đắn.

Tới đây khi hệ thống đường cao tốc sẽ tăng lên, đòi hỏi các kỹ thuật quản lý, quản trị, bảo dưỡng khác với các tuyến đường bộ bình thường. Do đó nếu bỏ tổng cục, làm cục có tính chất chuyên ngành sẽ tốt hơn.

Ông Phúc cho rằng cũng có thể tách thành 2 cục đường bộ như dự thảo nghị định đã trình. Các tuyến cao tốc hiện nay ngày một nhiều, được xem như xương sống của ngành giao thông, có tầm quốc gia.

Tuy nhiên, nhân lực quản lý của cục sẽ phải tương ứng với đối tượng được quản lý, không thể trùng lặp. Đội ngũ nhân lực quản lý cần nhiều tiêu chuẩn khác nhau, trình độ cao hơn so với đường bộ thông thường. Như tiêu chuẩn cao tốc của nước Mỹ, Đức, châu Âu đường cao tốc mịn, đường phẳng lặng. Còn cao tốc ở Việt Nam hiện chưa đạt chất lượng như kỳ vọng, thậm chí có thể nói là thấp.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc.

Theo ông Phúc, cơ sở hạ tầng đường cao tốc là một trong những yếu tố phát triển địa phương, liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng cao. Cũng là 100km nhưng di chuyển đường bộ thông thường sẽ mất thời gian nửa ngày, còn với cao tốc chỉ hơn 1 tiếng. Trong khi đó, thời gian được xem là tiền bạc chứ không phải chuyện thích hay không thích theo nhận định chủ quan.

Chính vì vậy, ông Phúc cho rằng cần sự nỗ lực, có cơ quan quản lý để thúc đẩy quá trình phát triển, có tư duy mới. Việc sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cần tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý công việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn