MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông

Nhiều cán bộ, người có chức vụ bị xử lý vi phạm nồng độ cồn

Xuyên Đông LDO | 25/12/2023 05:50

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong năm 2023, số lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn tăng gấp đôi năm 2022. Lực lượng chức năng xử lý chuyên đề nồng độ cồn không có ngày nghỉ, không có vùng cấm, ngoại lệ.

Theo đó, số lượng người chết do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng đã giảm một nửa.

Xử lý cán bộ để làm gương

2023 được coi là năm tăng cường xử lý các vi phạm liên quan đến quy định "đã sử dụng rượu bia thì không lái xe", đặc biệt là Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định số 100) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Về phía lực lượng Cảnh sát giao thông, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn là liên tục, không có ngày nghỉ và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cán bộ vi phạm nồng độ cồn không những bị xử phạt theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, mà còn phải chịu chế tài kỷ luật của cơ quan đang công tác.

Trên thực tế năm 2023, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó, nhiều người có chức vụ bị phát hiện xử lý nồng độ cồn. Tiêu biểu như, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), Trưởng Công an một phường ở Cầu Giấy, Giám đốc bưu điện TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bí thư huyện ở Bình Thuận, Thừa Thiên Huế…

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 30.8 đến ngày 15.10, 6 tổ công tác đặc biệt của Bộ Công an triển khai ở 58 địa phương để xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy.

Với quy trình xác minh chặt chẽ, tinh thần kiểm tra, xử lý "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong 45 ngày, các tổ công tác đã phát hiện, xác minh và ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm nồng độ cồn là đảng viên, cán bộ, công chức, công an, sĩ quan...

"Tất cả trường hợp cán bộ, đảng viên mà vi phạm nồng độ cồn đều bị gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị nơi họ công tác. Từ đây, các cơ quan quản lý có cơ sở để đưa ra hình thức kỷ luật" - đại diện Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ với phóng viên ngày 24.12.

Giảm một nửa số người chết do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia

Chia sẻ với Lao Động vào tháng 10.2023, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ năm 2022, lực lượng Cảnh sát Giao thông tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc. Việc kiểm tra nồng độ cồn được lực lượng chức năng thực hiện cả ngày lễ, tết và các đợt cao điểm.

Riêng trong năm 2023, thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, lực lượng CSGT xử lý gần 700 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23% tổng số vụ vi phạm giao thông), trung bình mỗi ngày xử lý khoảng 2.000 trường hợp. Con số này gấp đôi số vụ vi phạm nồng độ cồn cả năm 2022 (năm 2022, cả nước xử lý 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn).

Trong 9 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 77 vụ (25,8%), giảm 99 người chết (50%) và giảm 49 người bị thương (22,6%).

Không chỉ liên quan đến tai nạn giao thông, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn còn giúp hạn chế xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giúp xã hội an bình hơn.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, việc Bộ Công an và Công an các địa phương tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn "nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân", làm thay đổi thói quen của người dân theo hướng tích cực - đã uống rượu bia thì không lái xe, qua đó dần hình thành văn hóa tham gia giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn