MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Tây Ninh lập biên bản tại khu vực gỗ bị chặt hạ trái phép trong Khu Rừng Văn hoá - Lịch sử Chàng Riệc. Ảnh: Anh Tú

Nhiều cây gỗ quý trong khu rừng đặc dụng bị đốn hạ

Trần Tuấn - Anh Tú LDO | 27/11/2020 09:33
Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Lao Động đã đi thực địa và thấy hiện trường nhiều cây gỗ quý tại khu vực Rừng Văn hoá - Lịch sử Chàng Riệc bị đốn hạ.

Nhiều vết chặt cây còn mới

Thành lập năm 2002, Rừng Văn hoá - Lịch sử (VHLS) Chàng Riệc (thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND tỉnh Tây Ninh. Rừng VHLS Chàng Riệc góp phần tôn tạo các di tích lịch sử quốc gia như Khu di tích lịch sử Trung ương cục Miền Nam, Khu di tích lịch sử Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, Khu di tích lịch sử Ban an ninh Trung ương cục Miền Nam (các khu di tích này nằm trong khu vực rừng - PV).

Đến tháng 4.2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương sáp nhập Rừng VHLS Chàng Riệc vào Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tân Biên, Tây Ninh) theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tháng 9.2020, phóng viên Báo Lao Động nhận được phản ánh của bạn đọc về việc nhiều cây gỗ quý trong khu vực Rừng VHLS Chàng Riệc bị đốn hạ và di chuyển ra khỏi rừng.

Nhận được phản ánh của bạn đọc, đầu tháng 10.2020, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã đi thực tế về hiện trường để xác minh vụ việc.

Được sự hỗ trợ của người dân địa phương, chúng tôi đi sâu vào phía trong khu vực rừng nằm trên địa bàn xã Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh), giáp với biên giới Campuchia. Từ ngoài bìa rừng đi sâu vào bên trong, nhiều vết bánh xe tải trọng lớn hiện rõ.

Chỉ trong 1 ngày, theo chỉ đường của người dân, chúng tôi phát hiện 8 điểm có cây gỗ bị chặt hạ, có trường hợp vết chặt cây còn mới. Hầu hết thân gỗ đã bị vận chuyển đi. Từ điểm các cây gỗ quý bị chặt, các cây rừng dạng nhỏ khác bị chặt phạt 2 bên lối đi, tạo thành một lối dẫn ra ngoài bìa rừng.

Các cây gỗ bị chặt hạ gồm các dạng như gõ mật, mã tiền, lim xẹt. Trong đó, cây gõ mật là loài quý hiếm, giá thị trường cao (khoảng 15 triệu đồng/m3).

Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh vào cuộc

Ngày 30.10, tại trụ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh (phường 2, TP.Tây Ninh), phóng viên Báo Lao Động đã có buổi làm việc cung cấp thông tin đến ông Mang Văn Thới - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh.

Ông Thới cho biết, đã nắm được vấn đề mà Báo Lao Động nêu. “Những cây gỗ đó (gỗ bị đốn hạ - PV) hồ sơ xử lý chúng tôi đều có hết” - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh khẳng định. Khi chúng tôi đề nghị được xem hồ sơ xử lý các vụ đốn hạ gỗ trong rừng đặc dụng nói trên, ông Thới cho hay, “các biên bản xử lý đều ở dưới Hạt kiểm lâm huyện Tân Biên, vì nó xảy ra từng vụ”.

Theo ông Thới, đó chỉ là các vụ lén lút ăn cắp cây rừng chứ bản chất không phải phá rừng trên quy mô lớn như người dân phản ánh.

Ngay sau đó, chúng tôi di chuyển đến Hạt kiểm lâm huyện Tân Biên (thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên). Sau khi xác định các vị trí gỗ bị chặt hạ trên bản đồ, phóng viên Báo Lao Động đã cùng các cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Tân Biên trở lại rừng Chàng Riệc và xác định được 4 điểm cây rừng bị chặt hạ.

Cụ thể, tại khoảnh 3, tiểu khu 2, đoàn công tác phát hiện một lóng gỗ gõ mật đường kính 50cm, dài 1,5m và một cây gỗ mã tiền đã bị khai thác có đường kính gốc 38cm. Phần thân gỗ đều đã bị di chuyển đi chỉ còn lại gốc rễ. Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Tân Biên dự đoán thời điểm khai thác cách đây khoảng 1 năm.

Tại khoảnh 2, tiểu khu 3, đoàn công tác phát hiện một lóng gỗ lim xẹt, đường kính 35cm, dài 1,83m, một phần thân gỗ đã bị lấy đi. Theo nhận định, thời điểm khai thác cách đây 6 tháng. Cũng tại khu vực này, còn phát hiện thêm một gốc gỗ bời lời có đường kính 55cm, phần thân gỗ đã bị lấy đi, thời điểm khai thác cách thời điểm phát hiện khoảng hơn 1 năm. Do trời mưa nên đoàn công tác chưa phát hiện gì thêm.

Ngày 24.11, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Mang Văn Thới - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh - nói rằng, đã nhận được báo cáo vụ việc từ phía Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên.

“Tại khu vực mà phóng viên Báo Lao Động phản ánh trước đó, cơ quan chức năng từng nhiều lần phát hiện và xử lý hành vi huỷ hoại rừng, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Có vụ đã xử phạt hành chính và tiến hành thu hồi số gỗ khai thác trái phép, có vụ đã đưa ra khởi tố vụ án hình sự. Tuy vậy, cũng có những vụ không thể xác định được đối tượng đã huỷ hoại rừng” - ông Thới nói.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cũng khẳng định, lực lượng kiểm lâm sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng và Ban quản lý rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát để bảo vệ rừng, phòng tránh tối đa hành vi huỷ hoại rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn