MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà máy, xí nghiệp ở Gia Lai hầu hết đã đủ lượng công nhân cần thiết, ít có nhu cầu tuyển mới thêm lao động. Ảnh T.T

Nhiều công nhân hồi hương bị sang chấn tâm lý, ám ảnh COVID-19

THANH TUẤN LDO | 15/09/2021 14:57

Khảo sát của ngành chức năng tỉnh Gia Lai cho thấy, trong số 17.000 công nhân từ các tỉnh miền Nam hồi hương trong dịch COVID-19, nhiều công nhân mệt mỏi, căng thẳng vì áp lực tinh thần, mất công ăn việc làm.    

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Gia Lai, TP.Pleiku vừa mới gỡ bỏ Chỉ thị 16, nên các công nhân hồi hương ở các huyện thời gian qua bị hạn chế đi lại để tìm việc. Nhiều lao động bị ảnh hưởng, chấn động tinh thần sau khi cách ly y tế nên muốn ở nhà để nghỉ ngơi sau những căng thẳng, mệt mỏi.

Nhiều lao động  khác cũng có nguyện vọng đi tìm kiếm việc làm mới tại quê nhà nhằm có thêm thu nhập. Tuy nhiên, tại Trung tâm giới thiệu việc làm của Sở, các doanh nghiệp đang cần khoảng 200-300 vị trí công việc, chủ yếu cần lao động có trình độ chuyên môn, có bằng Đại học, Cao đẳng, ít có nhu cầu tuyển dụng lao động tự do. 

Theo nhận định của Sở LĐTBXH tỉnh Gia Lai, nhiều công nhân đang mong chờ các nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh sớm mở cửa trở lại trong “vùng xanh” an toàn để họ trở vào làm. Thực tế, bình quân mức lương công nhân ở các tỉnh miền Nam chi trả cao hơn so với mức lương công nhân ở địa bàn tỉnh Gia Lai. Vì thế, khi dịch bệnh cơ bản kiểm soát được, nhiều công nhân sẽ sớm trở lại miền Nam. Nhất là với bộ phận làm việc ở trong công xưởng nhà máy, có hợp đồng làm việc, được đào tạo nghề.

Hiện ngành chức năng tỉnh Gia Lai đang thống kê, phân loại số lao động hồi hương tại các huyện với các tiêu chí như nghề nghiệp, bằng cấp, nhu cầu tìm việc, tuổi tác và trình độ chuyên môn để có hướng hỗ trợ phù hợp.

Với các dự án đầu tư công thu hút nhiều lao động đang được triển khai, UBND tỉnh Gia Lai sẽ kêu gọi chủ đầu tư ưu tiên tuyển dụng con em địa phương vào làm. Sở LĐTBXH tỉnh Gia Lai cũng sẽ tham mưu, đề xuất việc xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn để người lao động được ra nước ngoài làm việc.  

Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ vay vốn để người lao động hồi hương tự kinh doanh, sản xuất tại địa phương mà không phải vào làm việc tại các nhà máy cũng được tính đến, nhằm đáp ứng đa dạng các nhu cầu của người lao động.    

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Gia Lai - cho biết, tổng số công nhân lao động tại nhà máy trong khu công nghiệp dao động từ 2.100 -2.200. Hiện nay các nhà máy, xí nghiệp đang cắt giảm công suất giờ làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chủ doanh nghiệp cố gắng hết sức để giữ việc làm cho công nhân của họ và đảm bảo tiền lương, đời sống cho người lao động.

Vì vậy thời điểm hiện tại, hầu như không có việc tuyển dụng thêm mới lực lượng lao động từ bên ngoài vào. Đây cũng là một khó khăn đối với số lao động hồi hương muốn tìm kiếm việc làm tại quê nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn