MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Cao Bằng đang rất chậm. Ảnh: Tân Văn.

Nhiều công trình trọng điểm không chi được tiền, Cao Bằng lọt top cuối giải ngân vốn đầu tư công

Nhóm PV LDO | 09/06/2024 12:48

Qua 5 tháng thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công, Cao Bằng vẫn nằm trong nhóm rất chậm.

Tiến độ giải ngân chậm hơn năm trước

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Cao Bằng được giao trên 4.924 tỉ đồng. Tính đến hết ngày 23.5, tỉnh đã giải ngân được trên 476 tỉ đồng, bằng 10,1% kế hoạch năm.

So với cùng thời điểm năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm nay của Cao Bằng đang thấp hơn 1,9%.

Trong số các chủ đầu tư được giao vốn, chỉ 2 đơn vị đạt tỉ lệ giải ngân khá. Có tới 13/33 đơn vị chủ đầu tư giải ngân 0% gồm: Quỹ phát triển đất; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở VHTT&DL; Sở TNMT; Sở Y tế, Sở KH&CN; Sở GTVT; Công ty Cổ phần thủy điện - luyện kim Cao Bằng, Công an tỉnh Cao Bằng, Sở Xây dựng; Sở TTTT; Đài Phát thanh truyền hình tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Văn bản số 4848 của Bộ Tài Chính (ký ngày 13.5) về việc công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý đã nêu tên 3 dự án tại Cao Bằng do giải ngân chậm.

3 dự án gồm: Dự án đường tránh thị trấn Xuân Hòa; Đường giao thông đồn Biên phòng Cốc Pàng (155) ra các mốc từ 520 - 534; Dự án đường giao thông thị trấn Nước Hai (Hòa An) - Nà Bao (Nguyên Bình).

Bên cạnh những chủ đầu tư được giao vốn có tỉ lệ giải ngân tốt, nhiều đơn vị tại Cao Bằng đang rất chậm trong việc giải ngân. Ảnh: Tân Văn.

Trong báo cáo số 1213 của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Cao Bằng nêu rõ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn rất chậm, tỉ lệ đạt thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Các chủ đầu tư chậm trễ

"Nguyên nhân vẫn do các đơn vị chủ đầu tư chưa chú trọng vào khâu thanh toán khối lượng đang có, chưa quyết liệt đẩy mạnh làm thủ tục hồ sơ thanh toán, chưa giải quyết và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cố hữu đã được chỉ ra..." - văn bản số 1213 nêu.

Mặt khác, tổng số ngân sách địa phương năm 2023 khá lớn (866 tỉ đồng) trong tháng 5.2024 được thông báo cho phép kéo dài sang năm 2024 nên các chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân vốn.

Tại dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo tình thức đối tác công tư, vốn cho dự án này khoảng 1.865 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 39,4% kế hoạch vốn năm 2024. Tuy nhiên, kết quả giải ngân chỉ được khoảng 16 tỉ đồng (đạt 0,9%).

Nguyên nhân được cho là công tác giải phóng mặt bằng vừa thực hiện xong việc kiểm đếm, chưa phê duyệt được phương án và dự toán bồi thường. Chưa thống nhất được phương án chuyển vốn cho công tác GPMB bên địa phận tỉnh Lạng Sơn, tiến độ hồ sơ thiết kế kỹ thuật chậm nên tiến độ giải ngân trong 5 tháng đầu năm thấp.

Về các giải pháp để cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng cho rằng các chủ đầu tư cần quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Dự án đường tránh Xuân Hoà vừa bị Bộ Tài chính điểm tên có tỉ lệ giải ngân thấp. Ảnh: Tân Văn.

Các đơn vị này cũng cần theo dõi, bám sát tiến độ thực hiện dự án, bám sát và tiến độ thực hiện dự án, công tác thanh toán, nghiệm thu cũng cần được đẩy nhanh.

Tiếp đó, trong việc GPMB các chủ đầu tư cần chủ động triển khai các giải pháp xử lý dứt điểm như: Thu hồi đất, thanh lý tài sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... việc đẩy nhanh tiến độ các công trình phải đảm bảo chất lượng và tránh lãng phí.

Các chủ đầu tư và kho bạc các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp thực hiện giải ngân vốn, thực hiện tạm ứng, hoàn tạm ứng, thanh toán ngay khi có khối lượng...

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cần đẩy nhanh quá trình thẩm định, nâng cao chất lượng tham mưu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30% - 50% so với quy định.

Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng kiến nghị UBND tỉnh sớm thống nhất, triển khai thực hiện cơ chế thanh toán khi sử dụng ngân sách tỉnh Cao Bằng chi cho nhiệm vụ GPMB của tỉnh Lạng Sơn và tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có thẩm quyền xem xét về quy hoạch cấp phép thêm cho các mỏ vật liệu xây dựng để giải quyết việc thiếu vật liệu xây dựng cơ bản...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn