MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng tiếp công dân quận 12. Ảnh: P.V

Nhiều cửa còn hành là chính

NGỌC UYÊN LDO | 07/08/2018 09:51

Không thể phủ nhận, tinh thần của lãnh đạo TPHCM cũng như sự chuyển biến cải cách hành chính (CCHC) của nhiều sở, ngành. Tuy nhiên, tình trạng hành là chính vẫn xảy ra nhiều nơi, đặc biệt ở những “cửa” giải quyết khó khăn doanh nghiệp (DN).

Dịch vụ công mới… tạm thông đầu vào

Một trong giải pháp CCHC quan trọng nhất của TPHCM là dịch vụ công trực tuyến. Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều sở ngành, dịch vụ này được triển khai khá ổn. Cụ thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kết hợp 3 thủ tục khi đăng ký thành lập DN gồm thông báo mẫu con dấu, đăng ký thông tin thuế và tài khoản ngân hàng. Qua đó đã giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 9 xuống còn 4 ngày. Tại đơn vị này, từ đầu năm đến nay có gần 2.000 DN đăng ký sử dụng dịch vụ “3 trong 1” này.

Cũng vậy, Cục Thuế TPHCM đã tạo điều kiện để người dân và DN kê khai thuế qua mạng, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử, triển khai hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế cho các DN.

Cục Hải quan TPHCM đã triển khai thủ tục hải quan điện tử rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM đã có 2.611 dịch vụ công trực tuyến ở cả 4 mức độ. Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ công trực tuyến trên chỉ tập trung ở mức độ 2 (chiếm 90,6%) và mức độ 3 (chiếm 9,2%), tức chỉ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Đến năm 2020, TPHCM dự kiến đạt 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 và 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Doanh nghiệp còn kêu khổ

Dù vậy, vẫn còn tình trạng lãnh đạo cấp sở, quận “nóng”, nhưng lãnh đạo cấp phòng, phường “lạnh”. Việc liên thông giữa các sở, ngành với nhau chưa thông suốt.

Đáng nói, trong lĩnh vực kinh tế sát sườn, còn nhiều DN phải kêu vì bị “hành là chính”. Điển hình, tại chương trình gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TPHCM và các DN nhân kỷ niệm tròn 2 năm Chương trình Cafe Doanh nhân - Huba do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) tổ chức mới đây, không ít DN bức xúc.

Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Huba - việc CCHC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN; chưa tạo được sự thông thoáng mạnh mẽ trong từng lĩnh vực kinh doanh. Những vấn đề sâu hơn, cụ thể hơn của từng DN cần giải quyết vẫn bị kéo dài, lòng vòng, mất rất nhiều thời gian; những vấn đề liên quan đến nguồn vốn, tuy thành phố hỗ trợ vốn vay kích cầu, nhưng DN vẫn còn “than khóc” về các thủ tục vay vốn quá nhiêu khê...

Thậm chí, như một DN phản ánh thì dù Thủ tướng có chỉ thị nhưng nhiều cơ quan chức năng vẫn không thực hiện nghiêm việc kiểm tra DN không quá 1 lần/năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố có 320.000 DN với 5 triệu TEU hàng hóa xuất khẩu mỗi năm. Chính vì vậy, việc CCHC nên lấy DN làm trung tâm và trước mắt cần nhanh chóng cải tiến các thủ tục trong cho vay kích cầu đầu tư.

Trước bức xúc của DN, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ quyết liệt hơn trong CCHC, hỗ trợ tối đa cho DN tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN… Theo kế hoạch, trong năm 2018, thành phố đặt mục tiêu tỉ lệ kê khai thuế điện tử chiếm 98%; giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ về đất, tài sản gắn liền với đất của các tổ chức và doanh nghiệp từ 57 ngày xuống còn 14 ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn