MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều con bò sữa mắc bệnh tiêu chảy ở Lâm Đồng nay đã hồi phục sức khỏe. Ảnh: Bảo Lâm

Nhiều đàn bò sữa ở Lâm Đồng đã khỏi bệnh

NGUYỄN QUÂN LDO | 13/08/2024 13:32

Phác đồ điều trị bệnh trên đàn bò sữaLâm Đồng đang phát huy có hiệu quả. Đây là tín hiệu vui nhằm kéo giảm thiệt hại cho người nông dân nơi đây.

Khoảng 200 con bò sữa bị chết, 5.000 bị bệnh

Những ngày qua, đã có hơn cả trăm con bò sữa ở Lâm Đồng bị chết. Điều này khiến cho người nông dân nơi đây vô cùng lo lắng bởi đàn bò chính là sinh kế của họ.

Ông Võ Đình Việt (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) có đàn bò sữa 76 con, nhưng bị chết 2 con. Số còn lại thì đang chán ăn, sốt, cho sữa kém… nên ông Việt không khỏi buồn rầu. Những ngày qua, hai vợ chồng ông Việt phải chạy đôn, chạy đáo cả ngày để lo cho đàn bò sớm hết bệnh.

Tương tự, gia đìnhông Nguyễn Minh Đệ, ở xã Tu Tra cũng có nhiều con bò đã bị chết. Thậm chí, hộ ông Việt được xem thiệt hại nặng nhất trong xã.

Ông Đệ cho biết, từ ngày 20.7 tới nay, ông đã triển khai tiêm vaccine cho 51 con bò sữa. Trong số đó, đã có 4 con bò sữa trưởng thành đã chết, 8 con mang thai bị bệnh, sảy thai.

Để tăng sức đề kháng và chữa trị cho những con bò khác, mỗi ngày ông Đệ tốn từ 2 - 15 triệu đồng. Tìm hiểu thực tế cho thấy, trường hợp của ông Đệ và ông Việt chỉ là hai đại diện cho hàng chục hộ dân khác cũng đang nuôi bò sữa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính tới nay đã có gần 5.000 con bò bị bệnh, trên 200 con bị chết. Số bò chết chủ yếu ở huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng.

Hiện nay, một con bò đang cho sữa có giá trị từ 40 - 60 triệu đồng. Những thiệt hại này không chỉ riêng các hộ nuôi bò sữa, mà còn là của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Cần nhanh chóng ổn định sản xuất cho người dân

Những ngày qua ngành chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc liên tục làm việc để sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh ở đàn bò và giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, từ khi công bố và triển khai phác đồ đã có 45% số bò bị bệnh dần hồi phục. Điều này, chứng tỏ phác đồ đã đáp ứng tình hình cứu chữa bò.

Trong khi đó, UBND huyện Đơn Dương và UBND huyện Đức Trọng cũng xác nhận, số lượng bò chết bắt đầu giảm, đàn bò có dấu hiệu dần hồi phục.

Đáng chú ý, huyện Lâm Hà là nơi tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục đầu tiên trong toàn tỉnh và có bò sữa chết sớm nhất. Nhưng đến nay, huyện mới chỉ có 2 con bị chết và số bò còn lại đã điều trị ổn định.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Ngay sau khi thực hiện phác đồ điều trị, bò bệnh đã dần phục hồi. Tỉnh đã điều phối nước điện giải, các loại thuốc trong phác đồ điều trị để chữa trị cho bò bệnh một cách kịp thời. Tổ công tác đặc biệt được thành lập và túc trực liên tục tại các địa phương để hỗ trợ kịp thời tình hình bò bệnh”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Học, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng lưu phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. “Phải đặt quyền lợi, tài sản của người dân là trên hết, không để người dân bị thiệt thòi. Cần có các kịch bản phù hợp nhanh chóng ổn định sản xuất cho người dân”, ông Học thông tin thêm.

Trước đó, trong chiều 11.8, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã có buổi làm việc với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị cung ứng vắc xin (Công ty Navetco)… để xác định chính xác nguyên nhân và sớm có hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân đang bị thiệt hại.

Trước đó, Báo Lao Động đăng tải bài viết "Nhiều bò sữa đột ngột mắc bệnh, chết bất thường", phản ánh tình trạng, nhiều ngày nay, hàng trăm hộ dân ở huyện Đức Trọng và Đơn Dương đang vô cùng lo lắng bởi tình trạng có cả ngàn con bò sữa đột ngột phát bệnh bất thường. Trong đó, có nhiều con đã chết.

Theo người dân địa phương, những đàn bò được tiêm vaccine viêm da nổi cục có triệu chứng đi ngoài cả chục ngày. Nhiều con bò sau đó tuôn ra rất nhiều cả cục máu đông rồi chết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn