MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều địa phương ở Đắk Nông thiếu giáo viên trầm trọng

Phan Tuấn LDO | 07/11/2021 16:18

Đắk Nông - Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài trong nhiều năm qua đã gây nhiều khó khăn cho các địa phương ở tỉnh Đắk Nông. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, các nhà trường, địa phương phải sử dụng các giải pháp tình thế, thậm chí “giật gấu vá vai” để  hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Nhiều địa phương, trường học ở tỉnh Đắk Nông đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh: Bảo Lâm

Tốn hơn... tuyển dụng

Theo Sở Giáo dục – Đào tạo, để đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và quy mô gia tăng số học sinh trong thời gian tới, ngành Giáo dục cần được bổ sung 938 người để tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2021-2022.

Trong đó, bậc mầm non cần 237 người; bậc tiểu học cần 403 người; bậc trung học cơ sở cần 220 người và bậc trung học phổ thông cần 78 người. Các địa phương có số lượng giáo viên thiếu nhiều là Đắk Glong, Gia Nghĩa, Tuy Đức...

Đơn cử như huyện Đắk Glong, toàn huyện có 34 trường học công lập bào gồm 13 trường mẫu giáo, 11 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở. Bước vào năm học 2021 – 2022, tại huyện Đắk Glong tăng 1.031 học sinh so với năm học trước. Trong đó, bậc tiểu học 415 học sinh, tương đương với 12 lớp; bậc trung học cơ sở là 564 học sinh, tương đương với 11 lớp.

Ngược lại, tổng biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo toàn huyện Đắk Glong được giao là 973 biên chế và tổng số giáo viên, nhân viên còn thiếu là 204 người. 

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đối với các khối lớp áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới được huyện Đắk Glong ưu tiên về mọi mặt, tạo thuận lợi tối đa việc hoàn thành mục tiêu chương trình.

Thiệt thòi nhất phải kể đến bậc mầm non, trong 5 năm học gần đây, đối với bậc học này, huyện Đắk Glong ưu tiên tuyển sinh trẻ đúng 5 tuổi. Chỉ khi dư thừa giáo viên huyện mới tuyển các em học sinh ít tuổi hơn.

Đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở thì bố trí giáo viên dạy thêm để đảm bảo chương trình. Như năm học 2020 - 2021, qua tính toán, nguồn kinh phí chỉ trả cho việc bố trí giáo viên dao động khoảng 8,4 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, đây là giải pháp tình thế chứ không thể bảo đảm chất lượng giảng dạy. Hơn nữa cách làm này còn khiến cho kinh phí chi trả phụ cấp cho giáo viên tăng gấp đôi so với việc tuyển dụng biên chế giáo viên hoặc dạy hợp đồng.

"Năm học mới 2021 - 2022, do số học sinh gia tăng mạnh nên số tiền dạy thêm để trả cho các giáo viên ở huyện ước tính tăng khoảng 15 tỷ đồng. Thế nhưng, trong điều kiện không được bổ sung biên chế, hợp đồng giáo viên nên địa phương không còn cách nào khác" - ông Phương cho biết.

Tập trung khắc phục

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thì việc thiếu giáo viên do nguyên nhân như quy mô học sinh, số lớp... tăng nhanh hàng năm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại biên chế giáo viên hàng năm không được bổ sung tương ứng.

Để khắc phục việc thiếu giáo viên, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp như dồn lớp, chuyển biên chế các vị trí việc làm khác sang giáo viên... Tuy nhiên, cách làm này chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể mang lại hiệu quả lâu dài. 

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hường, đối với việc thiếu số lượng giáo viên thiếu hiện nay thì tỉnh đã có các biện pháp khắc phục như báo cáo Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung biên chế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai các giải pháp như điều tiết giáo viên từ trường này qua trường kia, từ chỗ thừa qua chỗ thiếu. Đối với các môn dạy chung như thể dục, nhạc họa… có thể sử dụng một giáo viên để dạy cho liên trường, liên cấp.

Việc này nhằm giảm số lượng các giáo viên dạy bộ môn chung để “tiết kiệm” biên chế cho những bộ môn khác. Ngoài ra, hàng năm các huyện, thành phố cũng cần linh động luân chuyển giáo viên ở các các trường với nhau để bảo đảm thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn