MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phố Tây Bùi Viện vào cuối tuần. Ảnh: Chân Phúc

Nhiều dịch vụ du lịch, ẩm thực TPHCM nhộn nhịp trở lại

NGỌC DỦ LDO | 31/03/2022 10:08

Ngành du lịch TPHCM cho đến thời điểm hiện nay đã sôi động trở nhờ việc đổi mới nhiều chương trình tham quan kết hợp với bảo đảm an toàn đón du khách sau thời gian thành phố “đóng cửa” vì dịch COVID-19. 

Cụ thể, du lịch đường sông (water bus) được đánh giá phù hợp với xu hướng cân bằng nhịp sống đô thị, hạn chế kẹt xe, tạo nên phương tiện vận chuyển thú vị để du khách vừa kết hợp nhu cầu di chuyển và du lịch. Chính vì thế, sau khi ngành du lịch TPHCM mở cửa, nhiều khách rất thích khi trải nghiệm. Vào những dịp cuối cùng, lượng khách đi buýt sông đông đúc, sôi động hơn. Đặc biệt, việc đưa vào buýt sông ban đêm là một hình thức du lịch, giải trí thú vị được nhiều du khách ưa chuộng, yêu thích.

Từ khi TPHCM cho phép hàng quán kinh doanh lại thức uống có cồn, hàng quán trên phố Tây Bùi Viện cũng bắt đầu nhộn nhịp đón khách trở lại. Nhiều người trẻ, du khách xuống phố vui chơi, tìm lại không khí náo nhiệt của con phố nổi tiếng bậc nhất TPHCM.

Những ngày qua, nhiều địa điểm du lịch tại TPHCM như Bưu điện Thành phố, phố đi bộ Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ,… đang nhộn nhịp trở lại. Đây được xem là tín hiệu tích cực, báo hiệu sự phục hồi của ngành du lịch trong nước.

Với cảnh quan đẹp, các hoạt động giải trí đa dạng, phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn là “điểm hẹn” lý tưởng của người dân địa phương lẫn khách du lịch. Trong khi đó, đường sách Nguyễn Văn Bình tọa lạc tại ngay quận 1, trung tâm TPHCM cũng đón đông đảo lượng khách đến vui chơi, tham quan. Vừa qua, đường sách cũng thực hiện nhiều buổi tọa đàm, nhiều chương trình sách ý nghĩa như “Tháng 3 sách Việt” để thu hút du khách.

Về ẩm thực, nhiều cửa hàng ẩm thực nước ngoài, đặc biệt ở khu phố Nhật Bản (Q1) đã đổi thực đơn, áp dụng thêm nhiều chương trình khuyến mãi để phục vụ khách, tăng doanh thu. Trải qua thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện khu phố Nhật Bản “rục rịch” khởi sắc. Một số mặt bằng được sửa sang để bắt đầu kinh doanh. Hiện quy mô phố Nhật gồm 300m hẻm và mặt đường Lê Thánh Tôn, tiếp nối với đường Thái Văn Lung, Thi Sách, Ngô Văn Năm (Quận 1). 

Nhìn chung, nhịp sống đã sôi động trở lại, nhưng người dân cũng hình thành thói quen phòng dịch, tuân thủ 5K nơi công cộng khi tham quan du lịch, thưởng thức ẩm thực.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, hiện ngành du lịch thành phố tập trung thu hút khách quốc tế bằng cách đẩy mạnh các chương trình truyền thông điểm đến thông qua các kênh truyền thông trong nước, quốc tế nhằm quảng bá sâu rộng du lịch của Thành phố qua điểm đến, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, sản phẩm và ẩm thực TPHCM.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Thành phố cũng sẽ phát triển thêm các loại hình sản phẩm lưu trú và tham quan theo hình thức combo; tham quan thành phố bằng xe buýt hai tầng, tham quan thành phố theo đường thủy nội đô, tham quan thực tế ảo 3600 và mua sắm trực tuyến, trải nghiệm các sản phẩm du lịch liên kết với các thành phố, tỉnh chưa có dịch bệnh hoặc đã kiểm soát dịch theo hình thức khép kín. Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các điểm đến có không gian rộng mở như Thảo Cầm Viên, công viên văn hóa Đầm Sen, bảo tàng áo dài, Suối Tiên…

Vừa qua, mặc dù dịch bệnh nhưng Sở Du lịch TPHCM vẫn quảng bá du lịch Thành phố ra nước ngoài thông qua hội nghị du lịch trực tuyến với hơn 40 quốc gia. Đặc biệt, chương trình “Lễ hội Áo dài TPHCM” vừa qua cũng thu hút đông đảo khách du lịch đến để trải nghiệm văn hóa.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, du lịch TPHCM đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa đạt 25 triệu lượt, tăng 66,66% so cùng kỳ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn