MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bẫy dây thép, bẫy kẹp bị lực lượng Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thu giữ. Ảnh: Văn Trực

Nhiều đối tượng giả làm du khách, đặt bẫy thú trên rừng Sơn Trà

Văn Trực LDO | 23/02/2024 16:12

Dịp Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã tổ chức 20 đợt tuần tra, truy quét. Qua đó, đơn vị đã phát hiện và thu giữ 135 bẫy thú các loại được đặt trên bán đảo Sơn Trà.

Lợi dụng dịp Tết để đặt bẫy

Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10km về phía Đông Bắc với 3 mặt giáp biển. Nơi đây có hệ động thực vật đa dạng với hơn 1.000 loài thực vật, 531 loài động vật. Trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm như vọoc chà vá chân nâu, cu li, diều hoa Miến Điện…

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng các đối tượng xâm nhập trái phép vào rừng để đặt bẫy diễn ra phức tạp. Đây là vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái của rừng đặc dụng Sơn Trà.

Lợi dụng thời gian trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024, các “lâm tặc” lại tiếp tục hoành hành. Ngày 9.2 (nhằm ngày 30 Tết Âm lịch), chị Thanh Trúc – một tình nguyện viên tại bán đảo Sơn Trà nhận được tin báo của người dân về việc chồn dính bẫy kẹp (người dân phát hiện ngày 5.2, nhằm ngày 26 Tết Âm lịch). Ngày hôm sau, chị Trúc tới kiểm tra thì phát hiện bẫy đã bị gỡ bỏ, chỉ còn lại dấu vết hố bẫy.

Tiếp đó, ngày 18.2 (nhằm ngày mùng 9 Tết Âm lịch), chị Trúc phát hiện xác khỉ chết thối do dính bẫy kẹp tại khu vực gần bãi rác gần chùa Linh Ứng. Trước tình hình trên, chị Trúc đã báo lực lượng kiểm lâm và đơn vị đã tăng cường ra quân xử lý.

Khỉ chết thối do dính bẫy kẹp được chị Trúc phát hiện vào ngày 18.2. Ảnh: Thanh Trúc

Học làm bẫy thú trên mạng xã hội

Ông Ngô Trường Chinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết bán đảo Sơn Trà sắp vào mùa du lịch nên lượng du khách tăng cao. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng trà trộn vào dòng người để xâm nhập trái phép vào rừng với mục đích xấu.

Theo ông Chinh, hiện nay trên các trang mạng xã hội có những video dạy kĩ năng sinh tồn. Trong đó, có nhiều cách dạy làm bẫy với những dụng cụ đơn giản, thậm chí chỉ cần mang theo duy nhất 1 con dao nhỏ.

“Các đối tượng đi vào rừng giả làm người đi du lịch, họ chỉ mang theo con dao nhỏ rồi vào rừng chặt cây, đào hố là làm thành một cái bẫy sập. Thậm chí chẳng cần dùng bất kì sợi dây nào. Loại bẫy này có thể bẫy được chim, gà và các loại thú nhỏ. Đây là một trong những thách thức đối với lực lượng chức năng”, ông Chinh cho biết.

Ngoài ra, một số đối tượng còn rất tinh vi khi theo dõi lực lượng kiểm lâm đi tuần tra theo hướng nào thì sẽ triển khai đặt bẫy ở hướng ngược lại.

Ông Ngô Trường Chinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết dịp trước, trong và sau Tết, đơn vị đã tổ chức 20 đợt tuần tra, truy quét. Ảnh: Văn Trực

Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã triển khai tăng cường tần suất tuần tra và thường xuyên thay đổi địa điểm tuần tra. Trong quá trình tuần tra, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường có đối tượng xâm nhập thì đơn vị sẽ triển khai lực lượng đi vào rừng để ngăn chặn. Đồng thời, đơn vị cũng triển khai chốt chặn và thực hiện tuần tra ngoài giờ hành chính.

“Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát thì đơn vị cũng thực hiện việc tuyên truyền. Các cộng tác viên, người dân chính là yếu tố then chốt góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về bảo vệ động, thực vật trên bán đảo Sơn Trà”, ông Chinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn