MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) chậm triển khai khiến tăng vốn hơn 1.600 tỉ đồng. Ảnh: Anh Tú

Nhiều dự án dừng thi công, đội vốn

Sơn Hà LDO | 08/04/2024 09:55

Đã bước sang tháng 4.2024, song dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM - giai đoạn 1 (hay còn gọi là dự án ngăn triều tổng vốn 10.000 tỉ đồng) triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) vẫn chưa có tín hiệu khởi động trở lại. Kể từ lúc khởi công năm 2016, dự án đã tạm dừng thi công 3 lần, trong đó lần 3 tạm dừng hơn 40 tháng (từ ngày 15.11.2020 đến nay).

Phía nhà đầu tư cho biết, hiện mỗi ngày dự án phát sinh lãi 1,7 tỉ đồng, với 16 tháng làm thủ tục thì tiền lãi phát sinh khoảng 827 tỉ đồng. Cùng chung cảnh ngộ, dự án đoạn 3 (thuộc đường Vành đai 2 TPHCM) dài gần 2,8km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (TP Thủ Đức) dừng thi công suốt 4 năm qua. Đây cũng là một dự án thực hiện theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng. Từ tháng 3.2020 khi dự án đạt 43,8% giá trị hợp đồng xây lắp, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công do vướng mặt bằng, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán quỹ đất... Dù UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ tháng 1.2024, song đến nay, dự án vẫn chưa tháo gỡ được các vướng mắc để thi công trở lại. Báo cáo của nhà đầu tư cho thấy, giá trị lãi vay ước tính TPHCM sẽ phải chịu tới thời điểm tháng 12.2023 là 813 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 14,9 tỉ đồng.

Không chỉ các dự án triển khai theo hình thức BT, thời gian qua hàng loạt công trình đầu tư bằng vốn ngân sách ở TPHCM cũng phải ngưng thi công khi mặt bằng không được giải tỏa, làm tăng vốn như dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 30m (dài 2km, từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy, TP Thủ Đức). Được phê duyệt năm 2015 với tổng mức đầu tư 1.400 tỉ đồng do chậm triển khai, đến tháng 12.2023, dự án được HĐND TPHCM đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn 2.100 tỉ đồng.

Gần đó, dự án nút giao thông Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư 1.998 tỉ đồng, khởi công từ năm 2016 nhưng đến nay mới hoàn thành 6/10 hạng mục. Việc này khiến tổng mức đầu tư dự án hiện tăng lên 3.622 tỉ đồng (tăng hơn 1.623 tỉ đồng).

Tương tự, dự án mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) được phê duyệt năm 2016 với tổng mức đầu tư khoảng 677 tỉ đồng. Tuy nhiên, do nhiều năm không triển khai nên cuối năm 2023, dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỉ đồng. So với trước, dự án này giảm về quy mô gồm cả chiều dài và rộng, nhưng tổng mức đầu tư lại tăng gần 400 tỉ đồng sau khi cập nhật lại chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nhiều công trình chậm triển khai cũng bị đội vốn do chi phí giải phóng mặt bằng tăng như: Cải tạo kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (từ 188 tỉ lên 779 tỉ đồng); cầu Tăng Long, TP Thủ Đức (từ 450 tỉ đồng lên 688 tỉ đồng); Cầu Phước Long nối Quận 7 và Nhà Bè (tăng 398 tỉ đồng lên 748 tỉ đồng)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn