MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số khu vực, người dân vào trồng trọt các cây hoa màu ngắn ngày hoặc chăn thả trâu bò. Ảnh: Hữu Chánh

Nhiều dự án khu vui chơi thiếu nhi ở TPHCM nằm chờ... hồi sinh

HỮU CHÁNH LDO | 15/11/2023 06:51

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, được kỳ vọng sẽ hồi sinh các dự án khu vui chơi thiếu nhi "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua.

Đất đai hoang hoá

"Hàng trăm hécta đất nằm trong quy hoạch Công viên Sài Gòn Safari bị bỏ hoang suốt gần 20 năm qua ảnh hưởng đến đời sống người dân, trong khi không biết đến bao giờ dự án mới được khởi công" - ông Lê Văn Bình (57 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) nói và cho rằng, nếu dự án không thực hiện được thì thành phố nên trả đất lại cho người dân canh tác, chứ để đất hoang hoá quá lãng phí.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari (xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) có diện tích hơn 485ha với vốn đầu tư là 500 triệu USD. Đây được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.

Để thực hiện dự án, tháng 6.2004, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất, đồng thời giao Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư) và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân. Tính đến năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96%. Từ đó đến nay dù chỉ còn 4% nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo ghi nhận của Lao Động, khu vực được quy hoạch thành Công viên Sài Gòn Safari dù đã được cắm mốc lộ giới và giăng hàng rào kẽm gai nhưng bên trong chỉ là bãi đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhiều căn nhà đã đập bỏ. Khu dự án trở thành bãi đất hoang, dành làm nơi cho người dân chăn thả gia súc...

Còn ở trung tâm TPHCM, năm 2007, thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng dự án Cung Văn hóa Thiếu nhi tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với quy mô gần 40.000m2. Khi hoàn thành, công trình này sẽ tạo sự phát triển hướng đến các thế hệ trẻ tương lai của TPHCM, có chức năng phục vụ thiếu nhi thành phố về học tập, rèn luyện kỹ năng, kiến thức, phát triển năng khiếu nghệ thuật, thể chất...

Tuy nhiên, đã 15 năm trôi qua kể từ khi được chấp thuận chủ trương xây dựng, dự án được xem là điểm nhấn quan trọng của TP Thủ Đức đến nay vẫn im hơi lặng tiếng, trở thành bãi đầm lầy mọc đầy cỏ dại...

Chờ khơi thông từ Nghị quyết 98

Trao đổi với Lao Động, TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, những dự án công viên giải trí như Công viên Safari, Cung Văn hoá Thiếu nhi Thủ Thiêm... vẫn chưa được triển khai là do thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến pháp lý.

Để giải quyết vấn đề này, theo TS Thắng, các giải pháp có thể được áp dụng như tăng cường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh quảng bá và quảng cáo để thu hút khách du lịch...

TS Trần Quang Thắng đánh giá, Nghị quyết 98/2023/QH15 là một nghị quyết “hành động” nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển của TPHCM, bao gồm việc đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và các dự án công trình công cộng khác. Nghị quyết này cũng cho phép thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

"Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án này vẫn cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và đảm bảo an toàn, lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân và cộng đồng ở nơi được thụ hưởng giải trí, đồng thời phải đảm bảo các quy định pháp luật liên quan đến xây dựng và bảo vệ môi trường" - TS Trần Quang Thắng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn