MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nút giao An Phú nguy cơ chậm tiến độ vì vướng hơn 24.000m2 phía đường Lương Định Của. Ảnh: Anh Tú

Nhiều dự án trọng điểm tại TPHCM phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng

MINH QUÂN LDO | 29/03/2024 06:34

Năm 2024, TPHCM đặt mục tiêu giải ngân được 95% tổng vốn phân bổ khoảng 79.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 24.200 tỉ đồng (chiếm hơn 30,5%) là thách thức lớn cần có lời giải. Nếu áp dụng cơ chế như vành đai 3 sẽ giúp cho nhiều dự án giao thông rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.

Vừa thi công vừa chờ mặt bằng

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), việc xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 (6 làn xe) đến nay đã đạt khoảng 53% khối lượng và dự kiến hoàn thành trong năm 2024, đoạn mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Tuy nhiên, tiến độ dự án đang bị chậm lại vì gặp khó khăn do vướng mắc mặt bằng. Đến nay, chủ đầu tư đã nhận bàn giao mặt bằng của 544 trường hợp. Đoạn đầu tuyến giáp đường Nguyễn Văn Linh vẫn còn 24 nhà dân (khoảng 5.000m2). Còn đối với đoạn mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu, còn 24 hộ thuộc xã Đa Phước chưa đồng ý bàn giao.

Tương tự, hiện các đơn vị thi công đang tăng tốc làm các gói thầu của dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) để kịp hoàn thành dịp 30.4.2025. Nhưng tiến độ dự án thời gian tới có thể bị ảnh hưởng vì 2 vị trí mặt bằng (hơn 24.000m2) phía đường Lương Định Của vẫn chưa được bàn giao.

Ông Lương Minh Phúc cho hay, năm nay Ban Giao thông dự kiến khởi công nhiều dự án với tổng vốn bồi thường lớn như đoạn 1 và 2 thuộc dự án Vành đai 2 qua TP Thủ Đức (gần 14.000 tỉ đồng), cầu đường Nguyễn Khoái đi qua 3 quận 4, 7, 1 (hơn 3.700 tỉ đồng). Tuy nhiên, các dự án này có kịp khởi công phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng của các địa phương.

Cần áp dụng cách làm như dự án Vành đai 3

Một số địa phương có số vốn bồi thường lớn trong năm nay là TP Thủ Đức với hơn 9.000 tỉ đồng. Hiện TP Thủ Đức đang tập trung triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đoạn 1 và 2 đường Vành đai 2.

Trao đổi với Lao Động, ông Mai Hữu Quyết - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết, số lượng, khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án đường Vành đai 2 được xác định rất lớn, khoảng 935 trường hợp, trong quá trình thu thập có thể sẽ tăng thêm.

Để đẩy nhanh, TP Thủ Đức đang áp dụng cách làm mới là thu thập hồ sơ pháp lý, đo vẽ kiểm đếm hiện trạng trong lúc chờ duyệt ranh giới giải phóng mặt bằng... Sau đó, việc đền bù thực hiện trước với đất nông nghiệp hoặc người dân có đất ở chấp thuận bàn giao. Các trường hợp còn lại là đất ở, hoặc người chậm đồng thuận giao sẽ làm cuối cùng.

“Địa phương đặt mục tiêu tháng 11.2024 sẽ bàn giao khoảng 70% mặt bằng để chủ đầu tư khởi công dự án. Phần còn lại dự kiến hoàn thành năm 2025" - ông Quyết nói.

Theo ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, ở dự án Vành đai 3 TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Nhờ cơ chế này, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường vành đai 3 rất hiệu quả, rút ngắn thời gian so với cách làm thông thường từ 1 - 1,5 năm.

"Các dự án bồi thường, GPMB trong năm 2024 trên địa bàn thành phố cần triển khai tương tự như dự án Vành đai 3 thì mới bảo đảm tiến độ đề ra" - ông Trực nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn