MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lối tự mở qua đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: Hữu Chánh

Nhiều giải pháp an toàn cho giao thông đường sắt

Xuyên Đông LDO | 02/04/2024 11:02

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận tới 46 vụ tai nạn đường sắt, với 21 người thiệt mạng. Một số đoạn giao giữa đường sắt và đường bộ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, không ít người dân mới chỉ quan tâm yếu tố tiện mà chưa chú ý đến yếu tố an toàn.

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi người tham gia giao thông đường bộ băng qua đường sắt. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn tại các nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam - cho rằng, điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ chủ yếu là các điểm giao cắt đồng mức.

“Nhà nước đã bố trí đầy đủ hệ thống cảnh báo, rào chắn, người trực gác… Những điểm này về cơ bản đảm bảo an toàn. Điểm mất an toàn hiện nay hầu hết là đoạn đường dân sinh tự mở” - ông Thái cho hay.

Trước vấn đề mất an toàn giao thông đường sắt, cơ quan chức năng, quan trọng nhất là chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc đóng các đoạn dân sinh tự mở nguy hiểm.

“Về mặt lâu dài, ở các đoạn giao cắt, cơ quan chức năng có thể xây cầu vượt đường bộ. Tuy nhiên, giải pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích phải đủ rộng, đủ chiều dài và kinh phí khá tốn kém” - ông Thái chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, khi đóng cửa các đường ngang dân sinh cần phải có những tuyến đường gom để đảm bảo việc đi lại và sinh hoạt của người dân.

“Để đảm bảo an toàn cho giao thông đường sắt, các địa phương có thể phối hợp, đặt camera để phạt nguội, có dữ liệu để đưa ra những biện pháp tăng cường an toàn tốt hơn nữa” - ông Thái nêu quan điểm.

Nhằm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt từ những lối đi tự mở, đại diện Tổng Công ty đường sắt lưu ý rằng, ngành đường sắt nhiều lần có ý kiến về việc đóng cửa đoạn đường ngang nguy hiểm, nhưng một mình ngành đường sắt không thể làm hết được việc này. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía chính quyền địa phương.

Trước đó, vào giữa tháng 3 năm 2024, Bộ GTVT có báo cáo Chính phủ về việc triển khai Quyết định số 994/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt.

Giai đoạn từ năm 2014 - 2020, do khó khăn về vốn, ngân sách Nhà nước không bố trí cho các công trình, dự án như: Công tác đền bù giải tỏa hành lang an toàn đường sắt; cắm mốc hành lang ATGT đường sắt; xây dựng đường gom, hàng rào cách ly giữa đường bộ và đường sắt; xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt; xây dựng các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt quốc gia. Vì vậy, hầu hết các dự án công trình ATGT đường sắt chưa được triển khai.

Với 184 đường ngang còn lại chưa được đầu tư, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường sắt đến hết năm 2025 và bố trí kinh phí để tiếp tục triển khai hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống thông tin, tín hiệu trong kế hoạch.

Để đảm bảo tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ban hành chỉ thị hoặc công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đề án.

Về kinh phí thực hiện, đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để xây dựng đường gom, hàng rào nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn hoặc từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn