MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồi chè sạch ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Nhiều hộ dân thoát nghèo, làm giàu từ mô hình kinh tế bền vững

Thu Giang LDO | 18/11/2023 20:10

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã áp dụng cách làm hay, sáng tạo, giảm thiểu tỉ lệ tái nghèo.

Ông Nguyễn Huy Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) - thông tin, đến nay, tất cả thôn trong xã Ba Trại được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè, với tổng diện tích 471 ha. Trong đó, có gần 50 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 9 tấn/ha.

Theo ông Hùng, có nhiều hộ chăm sóc tốt, sản lượng chè đạt từ 10-12 tấn/ha. Tính tổng sản lượng chè xã Ba Trại đạt trên 5.000 tấn/năm, chiếm gần 50% tổng sản lượng chè toàn huyện Ba Vì, hiệu quả kinh tế do cây chè mang lại đạt 170 - 220 triệu đồng/ha/năm.

Cây chè cũng được địa phương xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững.

Cây chè cũng được địa phương xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: UBND huyện Ba Vì

Tương tự, bà Đặng Thị Diễm Phương - Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) - cho hay, năm nay, xã Thuận Hoà được chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hơn 40 hộ dân.

Trong đó, có 10 hộ được hỗ trợ mua xe nước mía, 9 hộ được hỗ trợ mua máy phun thuốc và máy cắt cỏ, 22 hộ được hỗ trợ mua xe gắn máy để làm dịch vụ chạy xe ôm và làm phương tiện đi lại trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn có 22 hộ được hỗ trợ nước sạch phân tán.

Bà Diễm Phương cho hay, nhiều người dân rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Xã cũng rất mong bà con được hỗ trợ cố gắng làm ăn phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cho xã vững mạnh thêm trong xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo trong thời gian tới.

Tìm hiểu của Lao Động, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như việc ban hành văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện chương trình còn chậm so với yêu cầu, huy động nguồn lực xã hội hoá cho công tác giảm nghèo còn hạn chế, một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải...

Tại hội nghị Sơ kết toàn quốc 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức ngày 17.11 ở tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư cho chương trình, sinh kế của người dân đang phụ thuộc vào công tác giải ngân, nếu không làm được là có lỗi với dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác giảm nghèo vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững, việc triển khai chương trình, giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ các dự án, tiểu dự án còn chậm, cần phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại, bất cập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn