MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mọi thứ ngổn ngang sau ảnh hưởng của sạt lở tại Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang

Nhiều hộ dân trắng tay sau những vụ sạt lở liên tiếp ở Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG LDO | 06/04/2024 07:22

Nghe tiếng cây cột trong nhà kêu răng rắc, ông Lê Văn Khóm (56 tuổi) vội kêu vợ và cháu ngoại tháo chạy ra ngoài. Chỉ trong vài giây, cả căn nhà đã bị sụp đổ xuống sông, bao nhiêu của cải dành dụm ngần ấy năm đều mất trắng…

Loạt căn nhà bị nhấn chìm xuống sông

Ngồi thất thần trước đống vật dụng ngổn ngang cả trên bờ và dưới sông, ông Lê Văn Khóm (khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ sạt lở tại kênh Cần Thơ Bé xảy ra vào ngày 3.4, làm 3 căn nhà bị sụp đổ xuống sông, trong đó có căn nhà của gia đình ông.

Ông Khóm kể, mọi thứ xảy ra quá nhanh, khi thấy có dấu hiệu, ông cùng những người hàng xóm mới chỉ kịp khiêng được một số đồ đạc trong nhà ra ngoài, rồi trong vài phút, nguyên căn nhà của ông đã bị sụp đổ hoàn toàn, cùng với 2 căn nhà kế bên cũng bị nhấn chìm xuống sông khiến ai cũng xót xa, hoảng sợ.

“Cuối năm 2021 mới dành dụm được hơn 400 triệu đồng để xây căn nhà này, bây giờ thì mất hết rồi…”, ông Khóm nghẹn ngào.

Hiện cuộc sống của gia đình ông Khóm trở nên khó khăn, phải ở nhờ nhà của hàng xóm chứ không có người thân, họ hàng ở gần. Trong khi đó, ông Khóm còn đang nuôi cháu ngoại còn nhỏ, không gian sinh hoạt và điều kiện không có khiến mọi thứ rất chật vật.

“Tôi trắng tay rồi! Nhà không còn, đất không có, cũng chẳng đủ khả năng để tìm mua chỗ ở mới, không biết từ giờ về sau cuộc sống sẽ ra sao…?”, ông Khóm ngấn nước mắt nói.

Cũng là hộ dân bị ảnh hưởng từ vụ sạt lở này, bà Lê Thị Kim Tư (45 tuổi) buồn bã nói: “Chính quyền địa phương có xuống động viên, hỗ trợ và kêu tôi di dời đi chỗ khác ở, nhưng nói thật là giờ tôi cũng không biết phải dời đi đâu, bởi vì đất không có, tiền cũng không, quá khổ rồi".

Gia cảnh của bà Tư cũng khó khăn, hai vợ chồng đi làm rẫy thuê, chỉ có căn nhà là tài sản duy nhất và là nơi cư trú của 7 thành viên trong gia đình. Mặc dù sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng mất căn nhà là coi như đã tiêu tan vốn liếng tích lũy cả đời.

3 căn nhà tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bị sụp đổ xuống sông. Ảnh: Tạ Quang

Sạt lở vẫn còn đang đe dọa

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 4 vụ sạt lở bờ sông. Đáng chú ý, chỉ trong 2 ngày 2 - 3.4, thành phố đã liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt nghiêm trọng tại các quận Ô Môn, Thốt Nốt và Bình Thủy. Hậu quả làm ít nhất 14 căn nhà bị ảnh hưởng và đường giao thông bị gián đoạn.

Tại quận Ô Môn, vụ sạt lở khoảng 25m, lấn sâu vào đất liền trên tuyến Rạch Chanh thuộc khu vực Long Thành, phường Long Hưng, làm ảnh hưởng đường lộ bêtông, gây khó khăn trong sinh hoạt, đi lại của người dân địa phương.

Còn tại quận Thốt Thốt, điểm sạt lở sạt lở dài 35m, ăn sâu vào bờ 6m trên bờ kênh Cần Thơ Bé, phường Thuận Hưng, làm 3 căn nhà của người dân bị sụp xuống sông và 1 căn có nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, tại khu vực này còn có một đoạn dài gần 50m đang xuất hiện nhiều điểm rạn nứt, đe dọa sạt lở trong những ngày tới.

Đối với quận Bình Thuỷ, điểm sạt lở xảy ra cặp đường Lê Thị Hồng Gấm, khu vực 2, phường Trà An, khiến 10 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Trong đó, 7 căn đã bị sạt lở một phần kết cấu sau nhà, 3 căn gần vị trí sạt lở nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao phải di dời để đảm bảo an toàn tại các hộ.

Theo ông Nguyễn Quí Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, các vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, những hộ dân phải di dời đã được thành phố hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng. Tuy nhiên, tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp, có khả năng vẫn tiếp tục xảy ra, ăn sâu vào bờ tại các khu vực này.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ tiếp tục đề ra nhiều biện pháp ứng phó, đặc biệt chú trọng đến phương châm “4 tại chỗ” cũng như thực hiện các chính sách xã hội trong cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn