MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một hồ đập thủy lợi ở thành phố Bảo Lộc chưa được cắm mốc hành lang. Ảnh: Lê Sơn

Nhiều hồ đập ở Lâm Đồng chưa được kiểm định an toàn

Phan Tuấn - Lê Sơn LDO | 15/08/2023 17:56

Trên địa bàn thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang có nhiều hồ đập thủy lợi xây dựng cách đây hàng chục năm và chưa được kiểm định an toàn, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình...

Nhiều hồ đập chưa được kiểm định an toàn

Hiện nay, Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc đang được giao quản lý và vận hành khai thác 6 công trình hồ, đập thủy lợi.

Cụ thể, các công trình bao gồm: Hồ Nam Phương 1, hồ Lộc Thanh, hồ Mai Thành, hồ Nông trường 28/3, hồ Bô xít, đập dâng thôn 8 (xã Đại Lào).

Ngoài ra, ở địa bàn thành phố Bảo Lộc còn có các hồ thôn 3 do xã Đam B’ri quản lý; hồ thôn 6, thôn 9, thôn 12 (ở xã Đam B’ri) thuộc Công ty cổ phần Kôhinđa quản lý. Các hồ, đập đang tích trữ bảo đảm đủ dung lượng nước phục vụ cho việc tưới tiêu cho khoảng 1.105ha cây trồng các loại.

Đơn cử như hồ Nam Phương 1 hiện hữu từ trước năm 1975. Hồ Nam phương 1 có diện tích mặt nước 64,7ha, dung tích theo thiết kế 1.533 triệu m3 nhưng không có hồ sơ thiết kế, hồ cũng chưa được cắm mốc hành lang.

Theo Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc, các công trình hồ, đập thủy lợi khi được giao cho đơn vị quản lý không có hồ sơ và mốc chỉ giới trên thực địa. Do vậy, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành cũng như xử lý các hành vi vi phạm.

Đến nay, đơn vị chưa thực hiện được việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho các công trình vì chưa được bố trí nguồn vốn, kinh phí.

Hiện nay, hầu hết các công trình hồ thủy lợi trên địa bàn thành phố Bảo Lộc chưa có quy trình vận hành công trình thủy lợi, kiểm định an toàn đập, hồ chứa, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, lập tờ khai an toàn đập, hồ chứa, lập phương án bảo vệ đập.

Mặt khác, hầu hết các công trình thủy lợi cũng chưa có phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, cứu hộ đập, hồ chứa nước, lắp đặt các thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng...

Nhiều công trình hồ đập bị lấn chiếm hành lang

Theo Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc, thời gian qua, trên địa bàn thành phố có 5 công trình hồ đập thủy lợi bị vi phạm phạm vi bảo vệ công trình, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình.

Hầu hết các công trình bị người dân lấn chiếm là để xây dựng công trình xây dựng, đường sá, nuôi trồng thủy sản… Tình trạng lấn chiếm này đang ảnh hưởng tới dung tích chứa nước, khả năng dẫn nước tưới tiêu bị hạn chế, dòng chảy bị thay đổi.

Việc giải quyết các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi chỉ dừng lại ở mức lập biên bản ghi nhận hiện trạng, đề nghị khắc phục. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm chưa có ý thức tự khắc phục mà tiếp tục tái phạm nên chưa được xử lý dứt điểm.

Điển hình như vụ lấn chiếm hàng ngàn mét vuông đất, mặt nước tại hồ Nam Phương 1. Đối với sự việc này, UBND thành phố Bảo Lộc phải huy động lực lượng, phương tiện triển khai các biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính của người dân địa phương.

Tại xã Đam B’ri, hồ thôn 3 thời gian qua cũng bị người dân đổ đất lấn chiếm. Theo lãnh đạo UBND xã Đam B’ri, người vi phạm đã cam kết không trồng cây, xây dựng nhà, công trình trên phần đất lấn chiếm.

Điều đáng nói chính là hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình, đổ đất đá lấp hồ, ảnh hưởng đến sức chứa, ảnh hưởng đến dòng chảy lại dừng ở mức độ hành chính. Còn việc áp dụng biện pháp buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của công trình thì chưa thực hiện.

Một khó khăn khác trong công tác quản lý hồ, đập thủy lợi được Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc và UBND xã Đam B’ri đề xuất chính là việc bàn giao hồ thôn 6, thôn 9, thôn 12 về cho địa phương quản lý vẫn chưa thực hiện được.

Khảo sát của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, tính đến năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 24 công trình gồm các hồ chứa và kênh thủy lợi bị người dân, tổ chức lấn chiếm. Điều này ảnh hưởng tới công tác quản lý và hiệu suất vận hành, khai thác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn