MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh Phan Anh

Nhiều hồ thủy điện thấp hơn gần 10m trước bão Talim

Hiếu Anh LDO | 18/07/2023 12:00

Trước bão Talim, nhiều hồ thủy điện ở Bắc bộ vẫn thấp hơn mực nước cho phép gần 10 m.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sáng ngày 18.7, mực nước các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đang thấp hơn mực nước cho phép.

Tính đến 7h ngày 18.7, thủy điện Sơn La thấp hơn 4,45m; thủy điện Hoà Bình thấp hơn 9,22m; thủy điện Tuyên Quang thấp hơn 6,0m; thủy điện Thác Bà thấp hơn 7,23m.

Về hồ thuỷ lợi khu vực Bắc Bộ. Hiện nay, cả nước có tổng số 2.543 hồ; mực nước trung bình đạt từ 32% - 86% dung tích thiết kế, một số tỉnh miền núi hồ chứa ở mức cao như Vĩnh Phúc 76%, Phú Thọ 86%, Ninh Bình 84%.

Về các hồ xung yếu hiện có 487 hồ (Hà Giang 13, Cao Bằng 19, Lai Châu 2, Điện Biên 2, Lào Cai 4, Yên Bái 21, Tuyên Quang 56, Bắc Kạn 11, Thái Nguyên 71, Lạng Sơn 30, Quảng Ninh 13, Sơn La 36, Phú Thọ 63, Vĩnh Phúc 24, Bắc Giang 9, Hải Dương 15, Hà Nội 13, Hoà Bình 81, Ninh Bình 4).

Hồ đang thi công là 20 hồ (Tuyên Quang 2, Thái Nguyên 5, Sơn La 1, Vĩnh Phúc 2, Hà Nội 1, Hoà Bình 7, Ninh Bình 2).

Trước bão Talim, cơ quan chức năng cũng thông tin nhanh về tình hình đê điều. Theo đó, hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu (đê sông 263; đê biển, đê cửa sông 26); 7 công trình đang thi công dở dang (Hà Nội 3; Ninh Bình 1; Thanh Hóa 2; Nghệ An: 1). Hiện nay có 3 sự cố chưa được xử lý triệt cần quan tâm (Hà Nội 1; Bắc Giang 1; Thanh Hóa 1).

Nhằm ứng phó với với bão Talim khu vực miền núi, cơ quan chức năng đề nghị, các đơn vị kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Các địa phương miền núi cũng cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với với tình huống xảy ra lũ quét, sạt lở, chia cắt.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.

Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn