MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc đô thị Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Nhiều khó khăn phát sinh khi TP.Buôn Ma Thuột triển khai cơ chế đặc thù

BẢO TRUNG LDO | 18/08/2023 17:04

Đắk Lắk - UBND TP.Buôn Ma Thuột đã và đang gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2022.

Gặp nhiều khó khăn

Ngày 18.8, trả lời phỏng vấn với Lao Động, ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - cho biết: "Trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2022, UBND thành phố thực tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, triển khai các dự án tại địa phương. Bởi lẽ, tình hình suy thoái kinh tế kéo dài khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn tài chính, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm công nhân lao động.

Tình trạng này được dự báo sẽ kéo dài hết năm 2023 và hy vọng sang năm 2024 sẽ được cải thiện, thành phố vẫn sẵn sàng tạo mọi cơ chế, giữ nguyên việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các ngành nghề đặc thù".

Theo Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, còn một điều mà địa phương đang khá lo ngại nữa đó là đối với việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, những người làm việc tại thành phố trong thời gian thực hiện cơ chế đặc thù. Để chính quyền địa phương cụ thể hóa, làm tốt mục tiêu này là việc rất khó khăn.

Bởi những người có tài năng đặc biệt nếu muốn đến cống hiến cho thành phố sẽ vướng với quy định của pháp luật, cơ chế hiện hành. Nếu trường hợp hết 5 năm triển khai cơ chế đặc thù thì UBND thành phố vẫn chưa có cơ chế giải quyết chế độ đãi ngộ cho họ.

Trước mắt là cải thiện diện mạo đô thị

Ngoài những vướng mắc nói trên thì UBND TP.Buôn Ma Thuột vẫn đang quyết liệt triển khai cơ chế đặc thù, từng bước xây dựng đô thị trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên theo kết luận 67 của Bộ Chính trị.

Theo đó, địa phương đang tập trung đầu tư cho các buôn giữ gìn bản sắc văn hóa theo hướng "Buôn trong phố, phố trong buôn" mang đặc trưng riêng của TP.Buôn Ma Thuột.

UBND thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cho 33 buôn của thành phố nhằm giữ gìn không gian nhà dài, bến nước, văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê, phát huy bản sắc văn hóa. Thành phố kêu gọi tư nhân đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch cộng đồng để người dân hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này.

Diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột đang từng bước thay đổi. Ảnh: Bảo Trung

Buôn Ma Thuột hiện có 5 dòng suối chính, riêng khu vực nội thành có các suố như Ea Tam, Ea Nao và Đốc Học. Các suối này có lưu vực nhỏ, tiết diện dòng chảy tương đối hẹp, cường độ dòng chảy lớn, mực nước thay đổi theo mùa.

Ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - cho hay: Giai đoạn 2023 - 2027, khi triển khai cơ chế đặc thù, TP.Buôn Ma Thuột sẽ đầu tư 2 dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vay lại vốn ODA với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỉ đồng để cải tạo hạ tầng thuộc hành lang suối Ea Nao, Ea Tam.

Việc cải tạo hạ tầng hành lang hai dòng suối trên nhằm tạo cho bộ mặt đô thị dọc hai bên suối thành những khu đô thị mang tính chất xanh - sinh thái - giàu bản sắc riêng. Địa phương xây những khu công viên cây xanh, sinh hoạt công cộng và các trung tâm thương mại, dịch vụ dọc bên con suối này, tạo ra bộ mặt đô thị mới. Các dòng suối trong thành phố vừa là dòng suối cảnh quan và tạo ra sự khác biệt đối với các đô thị khác của cả nước".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn