MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu vực trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều lợi ích từ việc trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế

PHAN TUẤN LDO | 27/03/2024 14:46

Đắk Lắk - Việc trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế đã giúp cho các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam có mặt tại thị trường các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... với giá thành cao. Đáng phấn khởi hơn nữa, giải pháp trồng rừng này đã mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân, doanh nghiệp... tham gia trồng rừng.

Công ty TNHH Ayobiomas ở Đắk Lắk đang xây dựng nhà máy chế biến gỗ công suất 150.000 tấn viên nén/năm; giai đoạn 2 sẽ mở rộng thành 250.000 tấn/năm. Do đó, trong lộ trình phát triển, Công ty TNHH Ayobiomas có nhu cầu nguyên liệu rất lớn.

Ông Vương Chính Thuần - Trưởng Phòng Kỹ thuật lâm nghiệp của Công ty TNHH Ayobiomas cho biết, qua liên kết với người dân giúp doanh nghiệp chuẩn hóa nguyên liệu, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Với gỗ nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế thì sản phẩm gỗ chế biến sẽ đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng khó tính. Quan trọng nhất là lợi nhuận cũng tăng lên từ 20 – 30%.

“Doanh nghiệp chế biến lâm sản sẽ giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn dễ tính, nhưng giá mua thấp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tập trung vào những thị trường cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, các nước châu Âu yêu cầu cao về sản phẩm không có nguồn gốc gây phá rừng" - ông Thuần cho biết thêm.

Chia sẻ về việc trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế, ông Nguyễn Danh Sanh, ở xã Ea Lai, huyện M'Drắk cho biết, gia đình ông có 8 hecta đất trồng keo từ nhiều năm nay. Trước đây, ông chỉ trồng rừng theo kinh nghiệm, mua cây giống trôi nổi nên giá bán sản phẩm thì bấp bênh.

Từ khi thực hiện trồng rừng theo chứng chỉ, ông được công ty hỗ trợ cây giống, trồng theo quy trình kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm cao hơn mặt bằng thị trường 3%.

Ngoài ra, người dân có thể bán cho đơn vị khác nếu giá thành cao hơn. Ngoài ra, các loại phụ phẩm từ keo như vỏ, cành, lá trước đây thường đốt bỏ, nay cũng được doanh nghiệp thu mua.

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Drắk, toàn huyện có trên 35.710 hecta rừng trồng, sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 80.000m3.

Do đó, chủ trương của huyện là phát triển trồng rừng theo chứng chỉ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, thúc đẩy ngành chế biến lâm sản, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, đến nay, diện tích đất có rừng toàn tỉnh hơn 497.235 hecta. Trong đó, rừng tự nhiên gần 411.931 hecta; rừng trồng 85.304 hecta, tỉ lệ che phủ rừng đạt 38,04%.

Rừng trồng có chứng nhận sẽ tăng giá trị kinh tế rừng, đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường và lợi ích xã hội, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn