MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy rõ vai trò, thiết yếu của ngành Y tế cộng đồng, tuy nhiên, ngành này đang khó tuyển sinh. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Nhiều ngành khan hiếm nhân lực, lương cao nhưng rất ít thí sinh quan tâm

HUYÊN NGUYỄN - HOÀI ANH LDO | 04/04/2021 07:41

Nhiều ngành khoa học cơ bản, truyền thống đang vô cùng khan hiếm nhân lực nhưng lại chưa được thí sinh quan tâm bởi chưa thực sự hiểu hết về chương trình đào tạo và cơ hội việc làm.

Xã hội đang rất cần

Tại Việt Nam những năm gần đây, bên cạnh các ngành mới được mở ra theo nhu cầu việc làm, không ít ngành truyền thống lại không thể tuyển sinh dù đang khan hiếm nguồn lực.

Một số ngành điểm hình như: Y tế công cộng, môi trường, nông-lâm-thuỷ-sản, khoa học tự nhiên...

Theo Trường Đại học Y tế công cộng, trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy rõ vai trò, thiết yếu của y tế công cộng, tuy vậy, tỉ lệ nhập học so với chỉ tiêu ngành Y tế công cộng của các trường đào tạo mã ngành này giai đoạn 2016-2020 chỉ chiếm khoảng 60-70%. Năm 2020, có 4 trường không tham gia tuyển sinh ngành này nữa vì những năm trước tỷ lệ tuyển sinh thấp.

Trong khi đó, cơ hội việc làm rất rộng mở khi cả nước có tới 63 trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hơn 500 huyện đều có trung tâm y tế, khoảng 100 các tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng và rất cần những nhân lực được đào tạo bài bản.

Tương tự, tại Trường Đại học Tài nguyên Môi trường, mỗi năm có khoảng 200 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ kĩ thuật môi trường và 250 chỉ tiêu cho ngành Quản lí tài nguyên. Nhưng hiện tại, mỗi ngành đã giảm đi 100 chỉ tiêu.

Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - cho hay, hiện nay trường này có những nhóm ngành xã hội rất cần, nhưng số người theo học rất ít như ngành Địa chất, Hải dương, Môi trường. Những ngành này liên quan tới biến đổi khí hậu ở Việt Nam hoặc trên thế giới.

Ví dụ, việc xâm nhập mặn, phèn ở miền Tây thì những người học Địa chất, Hải dương, Môi trường sẽ xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, công việc này phải di chuyển, đi nhiều ra ngoài đường nên khiến nhiều bạn sợ khó, sợ khổ.

Ngành Khoa học môi trường sẽ đào tạo về quản lý môi trường, tài nguyên đất, khí, nước, hệ thống định vị, luật môi trường, quản lí đất đai. Công nghệ kĩ thuật môi trường thì đi sâu về xử lý nước thải, rác thải, khí thải….

Sinh viên địa chất sẽ được học về tài nguyên khoáng sản. Ví dụ muốn xây một toà nhà thì cần địa chất công trình kiểm tra nền móng, địa chất dầu khí để thăm dò dầu khí, địa chất về khoáng sản để tìm ra các tài nguyên mới, kiểm định các loại đá quý.

"Học sinh không biết, không hiểu nên ít có người theo học. Đợt bão lũ tại Quảng Trị năm 2020 vừa qua, nếu có các nhà địa chất dự đoán trước tình hình sạt lở thì sẽ không có tai nạn thương tâm như vậy" - ông Quán nói.

This browser does not support the video element.

Thạc sĩ Phùng Quán chia sẻ về các ngành khát nhân lực. Thực hiện: Huyên Nguyễn - Hoài Anh


Cơ hội có việc tốt, thu nhập "khủng"

Về cơ hội việc làm, Thạc sĩ Phùng quán cho hay: Học các ngành trên đang có cơ hội việc làm rất cao. Nhu cầu xã hội lúc nào cũng cần, còn nhân lực lúc nào cũng thiếu. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong 63 Sở Tài nguyên - Môi trường, tại tất cả phòng tài nguyên môi trường, nhiều các cơ quan ban ngành thuộc hệ thống nhà nước và ngoài công lập.

"Cơ hội việc làm rất rộng mở, nếu sinh viên giỏi kiến thức và ngoại ngữ sẽ có cơ hội làm việc tại các tập đoàn nước ngoài với mức lương "khủng". Ví dụ, ở ngành Ngọc học, những bạn giỏi được các tập đoàn đá quý, kim cương tuyển dụng với mức lương cao" - ông Quán tiết lộ.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc khan hiếm thí sinh là do chưa hiểu rõ về bản chất và cơ hội việc làm của ngành học. Có thí sinh chỉ nghe tên ngành học như Lâm nghiệp đã nghĩ ngay là phải đi làm và sống trong rừng, hay học ngành liên quan tới thủy sản thì sẽ phải lội ao nuôi trồng thủy sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn