MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người dân ở Hà Nội bỏ nước sạch, quay lại với nước giếng khoan

KHÁNH AN LDO | 14/05/2023 16:11

Sau nhiều tháng phải đóng hàng triệu tiền nước sạch mà không hiểu nguyên nhân xuất phát từ đâu, một số người dân tại Hà Nội quyết định mua máy lọc nước, quay lại với nước giếng khoan.

Tiền nước "biến thiên" không rõ lí do

“Suốt 3 tháng liền, cửa hàng tôi cho thuê phải đóng cửa vì dịch bệnh, thế nhưng công ty nước vẫn gửi về hoá đơn hơn 4 triệu tiền nước” - anh Trần Anh T (Yên Bệ, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Lao Động.

Anh T cho biết, anh có một căn nhà 150 m2 cho thuê ở mặt Đường Quốc lộ 32 (Thuộc Khu tập thể Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức). Căn nhà này từ trước thời điểm năm 2019 vẫn sử dụng nước giếng khoan và đưa vào bể lọc.

Thế nhưng, do khách hàng có nhu cầu mở cửa hàng lẩu cua đồng và mong muốn được sử dụng nước sạch, nên từ năm 2019 anh T kí kết hợp đồng dịch vụ cấp nước với Công ty Nước sạch Tây Hà Nội. 

Thời điểm đầu năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp tại Việt Nam, khách hàng thuê nhà của anh T đã quyết định đóng cửa hàng. Song sau 3 tháng cửa hàng không hoạt động, anh T vẫn nhận về hoá đơn tiền nước lên tới 4.301.000 đồng. 

“Thời điểm trước khi đóng cửa, khách hàng của tôi cũng chưa bao giờ sử dụng đến 1 triệu tiền nước/tháng. Vậy mà trong 3 tháng đóng cửa, số tiền nước lại lên đến hơn 4 triệu đồng, trong khi tiền điện chỉ có vài chục nghìn đồng” – anh T kể lại.

Bất ngờ trước thông báo của phía công ty nước, anh T đã quyết định gọi lên số hotline yêu cầu nhân viên công ty đến kiểm tra đồng hồ nước xem liệu có sai sót ở đâu. Tuy nhiên, phía công ty liên tục trì hoãn việc kiểm tra đồng hồ.

Bất lực, anh T quyết định sẽ không đóng số tiền trên, quay lại sử dụng nước giếng khoan. “Sau sự việc đó, tôi quyết định không đóng tiền, cho họ cắt nước sạch. Căn nhà tôi cho thuê hiện sử dụng nước giếng khoan và đưa vào bể lọc để lọc nước y như trước đây” – anh T nói. 

Trong khi đó, chị Phạm Thị D (Minh Khai, huyện Hoài Đức) cũng quyết định ngưng sử dụng dịch vụ của công ty nước sạch vì tiền nước lên cao thất thường, dù nhu cầu sử dụng của gia đình là không thay đổi. 

“Thời gian đầu, nhà tôi 4 người chỉ sử dụng khoảng 70.000 đồng – 120.000 đồng tiền nước/tháng. Thế nhưng sau đó, tiền nước tăng đột ngột lên 900.000 đồng; 1,8 triệu đồng. Đỉnh điểm có tháng công ty nước báo về hoá đơn 2 triệu đồng” - chị D kể lại. 

Sau đó, chị D liên tục hẹn gặp phía công ty nước để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra phương án giải quyết, song công ty lại khất hết lần này đến lần khác. 

Cuối cùng, chị quyết định quay trở lại sử dụng nước giếng khoan và đầu tư thêm bộ lọc nước để đảm bảo sức khoẻ cho gia đình. “Tôi cũng coi như mất số tiền cọc ban đầu (tiền lắp đồng hồ và đường ống nước) là 4,4 triệu đồng” - chị D nói. 

Hệ thống bể lọc nước giếng khoan của nhà anh Thắng. Ảnh: Hữu Chánh 

Bị truy thu hàng chục triệu đồng tiền nước

Căn nhà cho thuê của anh Nguyễn Minh Thắng (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang phải sử dụng nước giếng khoan suốt 2 tháng nay. Song khác với trường hợp nhà anh T, chị D, anh Thắng cho biết bị công ty nước sạch cắt nước vì chưa chi trả hơn 80 triệu đồng tiền truy thu. 

Cụ thể, giữa tháng 3.2023, anh nhận được cuộc gọi của nhân viên Công ty nước sạch Tây Hà Nội thông báo về việc đồng hồ nước khu nhà cho thuê trọ của anh có xuất hiện 1 lỗ thủng và 1 que tăm cắm vào công tơ.

Đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội sau đó đã lập biên bản kiểm tra hệ thống nước về việc đồng hồ của khách hàng bị can thiệp vào mặt hiển thị. 

Theo nội dung biên bản, đồng hồ bị cháy giữa mặt hiển thị (phần kim đen và kim đỏ). Tiết diện cháy dài khoảng 2cm, rộng 0,5cm. Tại vị trí gần mép cháy phía ngoài có thủng 1 lỗ tròn có cắm que tăm (có video và hình ảnh ghi lại sự việc).

"Dù tôi không kí vào biên bản, nhưng đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội thông báo tạm thời tháo đồng hồ, bịt tạm thời nguồn nước. Đồng thời, mời chúng tôi đến công ty để phối hợp giải quyết" - anh Thắng nói.

Tại đây, đại diện công ty lí giải rằng, do không biết sự việc xảy ra từ bao giờ, do đó công ty sẽ tính mức truy thu từ lúc lắp đặt đồng hồ, bắt đầu từ tháng 10.2018 đến tháng 3.2023 là 51 tháng.

"Tính trung bình 60 m3/tháng, nhân với giá nước kinh doanh là 25.000 đồng/m3, cộng thêm 1.500.000 đồng tiền thay đồng hồ mới, tổng cộng là 81.500.000 đồng" - anh Thắng dẫn lại lời của đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội.

Anh Thắng cho biết, cảm thấy khó hiểu với mức truy thu trên. Bởi, mỗi tháng phía công ty đều có nhân viên đến kiểm tra công tơ và đều không phát hiện bất cứ vấn đề nào về công tơ. Thêm vào đó, gia đình anh đều đóng tiền nước đầy đủ, chưa bao giờ đóng thiếu, đóng chậm.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ làm việc với đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội. Tuy nhiên, đơn vị này chưa có phản hồi cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn