MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân môi trường đô thị căng mình thu gom rác trên phố Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Anh Thư

“Nhiều người gọi tôi là rác ơi!”

ANH THƯ - BẢO HÂN LDO | 21/11/2020 07:25
Công việc vốn vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với rác thải, công nhân vệ sinh môi trường phải gồng mình lên mới bám víu được cái nghề này lâu dài.

Công việc nhân đôi khi có sự cố

Những ngày qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân chậm lương công nhân (CN) dẫn đến việc CN làm cầm chừng, rác thải ùn ứ trên phố Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội). Đồng lương vốn ít ỏi, lại còn bị chậm khiến không ít CN lo lắng không nguôi. Trên vai họ, còn có cả một gia đình đang trông chờ vào tiền lương mỗi tháng để ăn học, chi tiêu.

Vừa phải căng mình thu gom hết rác cho kịp xe cẩu trên phố Yên Phụ, chị Nguyễn Thị Nga (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình vốn khó khăn, nên dù đã có tuổi, tôi vẫn phải cố gắng gắn bó với nghề này. Mỗi ngày, tôi chỉ nhận tiền lương là 174.000 đồng. Thử hỏi, chi tiêu, sinh hoạt tại Hà Nội với số tiền này có đủ hay không?”.

Vì vậy, chị Nga đã nhận làm trọn vẹn hai ca mỗi ngày. Từ sáng cho đến đêm, chị Nga phải tiếp xúc với rác thải sinh hoạt. “Công việc vốn vất vả, độc hại, tiền lương mỗi tháng không cao, song thời gian qua, công ty còn chậm lương của chúng tôi. Nguồn thu nhập của gia đình trông chờ cả vào đó. Nên tôi mong muốn công ty đến đúng ngày phải trả lương và có thêm khoản tiền thưởng động viên người lao động trong ngày lễ, tết”- chị Nga chia sẻ.

Nhớ lại lần người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn mới đây khiến nội đô ùn ứ rác thải, chị C.T.O - công nhân Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 4 (URENCO 4) - cho biết, trung bình, mỗi ngày, chị O cùng những CN khác thu gom 100 xe rác trên phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội). Do lượng rác quá nhiều, lượng xe lại thiếu, sau khi thu rác về, những CN phải mất thêm một lần công đổ rác xuống, phủ bạt cho đỡ bốc mùi để lấy xe đi thu gom tiếp. “Công nhân những ngày đó không ăn, không ngủ được, ai cũng oằn mình ra làm” - chị O nhớ lại.

Đã nhiều lần muốn nghỉ việc

Trưa 20.11, một nhóm CN của Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đang ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện bên ngoài công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Chị Ngô Ngọc Quyền (35 tuổi) có thâm niên 15 năm làm nhân viên vệ sinh môi trường. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc với rác thải khiến chị trông khắc khổ, già hơn so với tuổi.

“Đã nhiều lần tôi muốn nghỉ việc rồi và thực tế từng viết đơn xin việc, nhưng đồng nghiệp động viên nên tôi lại tiếp tục gắn bó với nghề này” - chị Quyền cho hay.

Chị Quyền được công ty giao khoán một đoạn đường và 2 hợp đồng tại 2 điểm dọn rác khác (khoảng 7-8 xe rác). Giao khoán có nghĩa là khi nào dọn xong đoạn đường đó thì mới hoàn thành công việc, nên nhiều khi thời gian làm việc của chị là từ 5 giờ sáng đến 14 giờ chiều, nhưng chị thường xuyên phải về muộn hơn.

“Ngoài ra, để tránh tắc dường vào lúc 7-8 giờ, chúng tôi thường phải đi sớm hơn, có khi từ 3-4 giờ sáng. Không chỉ vậy, chúng tôi còn phải chờ cho đến khi nào xe rác được đổ lên ôtô mới xong việc của mình. Nếu quá trình này bị chậm lại, chúng tôi lại phải thêm thời gian trực, có khi đến tận 21 giờ”- chị Quyền kể.

Giao khoán, nên chị “sợ” nhất là những ngày lễ, tết, cuối tuần, vì khi đó, mọi người sẽ xả rác nhiều hơn. Chị thường nói đùa với mọi người rằng, những ngày như 21.10, 9.3 chính là những ngày tặng hoa cho… thùng rác.

Một điều chị Quyền cũng như nhiều đồng nghiệp khác rất buồn, đó là thái độ không tôn trọng của không ít người dân đối với những người làm công việc dọn rác mang lại sự sạch đẹp trong phố phường. Nhiều người gọi các chị là “Rác ơi!”. Có nhiều người thì ném thẳng bọc rác tôm, cá vào thùng, nhưng không chính xác khiến suýt vào mặt chị lao công. Có khi vừa dọn xong đoạn đường, người dân đã quét rác ra đường. Có người khi bị nhắc nhở vứt rác đúng quy định thì nói: “Tao mất tiền vứt rác nên có quyền”.

Mặc dù công việc vất vả, áp lực như vậy, nhưng tổng thu nhập của chị chỉ có 5 triệu đồng/tháng (trong đó đã có cả tiền độc hại, xăng xe). Thu nhập này, chị Quyền tính toán, chỉ đủ để tiền học cho 3 người con và chi trả tiền điện nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn