MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đa số người lao động mất việc chỉ tìm công việc thời vụ để hưởng trợ cấp thất nghiệp chứ không mặn mà học nghề. Ảnh: Phương Ngân

Nhiều người lao động mất việc không mặn mà học nghề

Phương Ngân - Chân Phúc LDO | 10/10/2023 09:29

Người lao động mất việc ngoài được nhận trợ cấp hàng tháng còn được đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người lao động mất việc không mặn mà với việc học nghề vì kinh phí hỗ trợ thấp và mất thời gian.

Ít người nghĩ đến việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp

Chị Võ Thị Ngọc Điệp (42 tuổi) từng là công nhân tại quận Bình Tân, TPHCM. Chị Điệp bị cắt giảm lao động sau 17 năm gắn bó cùng doanh nghiệp. Sau nhiều tháng thất nghiệp, đến nay chị Điệp vẫn chưa tìm được công việc mới và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Không việc làm, chỉ muốn kiếm việc làm thời vụ để có 2 khoản thu nhập mỗi tháng, chị Điệp cũng không mặn mà với việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Theo chị Điệp, bản thân chị chỉ muốn tìm những công việc phổ thông để kiếm thu nhập mỗi tháng.

Còn chị Nguyễn Thị Hà (39 tuổi, quê Nghệ An) bị cắt giảm việc làm sau 20 năm làm việc tại doanh nghiệp. Chị Hà đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, cộng với việc có con nhỏ đang đi học nên chị không mặn mà với việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.

Chị mong muốn, sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp chị sẽ quay lại nhà máy tiếp tục làm công nhân sản xuất để có thu nhập ổn định hàng tháng.

Kinh phí hỗ trợ học nghề còn thấp

Từng tham gia sàn giao dịch việc làm quận Bình Tân vào tháng 9.2023, chị Phạm Thị Mỹ Hiền, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Bình Tân cho biết, người lao động mất việc đến bàn tư vấn của Trung tâm đa số là những người từ 40 tuổi trở lên, nhu cầu học nghề rất ít, chỉ chiếm khoảng 20% tổng số người đến tư vấn, còn lại là tìm công việc thời vụ.

Theo ông Hoàng Văn Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TPHCM, trước đây Trung tâm DVVL thành phố có chức năng, nhiệm vụ đào tạo nghề, tuy nhiên, hiện nay Trung tâm DVVL chỉ có chức năng, nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn về đào tạo nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thông qua các đơn vị đào tạo trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên người lao động vẫn chưa mặn mà với việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, trong đó kinh phí hỗ trợ còn thấp là một trong những lý do.

Theo ông Thắng, Quyết định 17 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng và tối đa không quá 6 tháng. Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo nghề chưa thực sự quan tâm công tác này vì một số nguyên do như: Ngành nghề đào tạo để kết nối phù hợp với các doanh nghiệp theo đơn đặt hàng vẫn còn hạn chế; cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo nghề cũng chưa được đảm bảo.

“Người lao động thất nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn lại phải mất thêm số tiền để đi học nghề và thời gian đào tạo lâu có thể lên đến 6 - 9 tháng. Vì thế nhiều người vẫn không mặn mà học nghề” - ông Thắng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn