MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều quán karaoke trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải đóng cửa vĩnh viễn do không khắc phục được các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC. Ảnh: Diệu Anh

Nhiều quán karaoke tại Ninh Bình phải đóng cửa vĩnh viễn

DIỆU ANH LDO | 30/10/2023 16:14

Ninh Bình - Do không đảm bảo các điều kiện an toàn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, nhất là các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo quy định mới, nhiều quán karaoke trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải tạm dừng hoạt động, thậm chí có cơ sở phải đóng cửa vĩnh viễn.

Cụ thể, tại địa bàn thành phố Ninh Bình hiện có gần 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, hầu hết các cơ sở này đều phải dừng hoạt động để khắc phục các điều kiện về PCCC, trong đó có đến 18 cơ sở không thể khắc phục được các điều kiện về PCCC theo Thông tư 06/2022/TT-BXD ngày 30.11.2022 của Bộ Xây dựng.

Công an thành phố Ninh Bình thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, báo cáo UBND thành phố đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh thu hồi Giấy phép kinh doanh đối với 18 cơ sở trên.

Tại các huyện, thành phố còn lại của tỉnh Ninh Bình như: Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp, Kim Sơn, có trên 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nhưng đều phải đóng cửa để khắc phục các điều kiện về PCCC. Hầu hết những quán karaoke này đều được xây dựng và hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện nay chiếu theo các quy định tại Thông tư 06/2022/TT-BXD ngày 30.11.2022 của Bộ Xây dựng, 100% các cơ sở này đều không đảm bảo các điều kiện về PCCCC.

Một số ít các cơ sở sau khi xin dừng hoạt động để khắc phục đến nay đang chờ cơ quan chức năng thẩm định lại để cấp phép, còn lại phần lớn các cơ sở đều không thể khắc phục được, nhiều chủ cơ sở phải chuyển mô hình kinh doanh khác.

Anh Nguyễn Văn Hạnh - chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại thị trấn Me (huyện Gia Viễn) - cho biết, theo quy chuẩn mới về điều kiện an toàn phòng cháy đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hiện nay, hầu hết các cơ sở đều không đảm bảo.

"Ngoài quy định về lối thoát hiểm, các điều kiện khác đảm bảo an toàn về phòng cháy thì quy chuẩn mới quy định các vật liệu trang trí trong phòng hát cũng như ngoài hành lang phải là vật liệu chống cháy. Trong khi đó, phòng hát cần phải có cách âm mà vật liệu cách âm thì chủ yếu được làm bằng xốp hoặc nhựa, đồ giả da... Đây đều là những vật liệu rất dễ cháy", anh Hạnh chia sẻ.

Tương tự, chị Mai Trang - chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên đường Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình) - cho biết, cơ sở của chị đóng cửa, dừng hoạt động từ tháng 9.2022, vì không đảm bảo các điều kiện về PCCC. Dừng hoạt động trong thời gian dài khiến việc kinh doanh của gia đình chị gặp nhiều khó khăn.

"Riêng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng mất gần 40 triệu đồng, đấy là chưa kể các phòng hát, trang thiết bị điện tử để lâu không sử dụng cũng bị hư hỏng. Vợ chồng tôi đang rao bán toàn bộ các trang thiết bị và trả lại mặt bằng để chuyển sang kinh doanh loại hình khác", chị Trang cho hay.

Trao đổi với PV Lao Động, thượng tá Vũ Văn Tòng, Phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC & CHCN Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 209 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, tất cả các cơ sở nay đều đang bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc do chủ cơ sở chủ động xin tạm dừng hoạt động để khắc phục các điều kiện về phòng cháy.

"Nếu chiếu theo những quy định mới tại Thông tư 06/2022/TT-BXD ngày 30.11.2022 của Bộ Xây dựng thì sẽ có rất nhiều quán karaoke trước đây đã hoạt động nhưng nay phải đóng cửa vĩnh viễn vì không thể khắc phục được các điều kiện về PCCC", thượng tá Tòng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn