MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: Nguyễn Trình

Nhiều tiềm lực để Đà Nẵng phát triển bứt phá trong tương lai gần

An Thượng LDO | 16/08/2024 06:27

Không chỉ chính quyền, người dân Đà Nẵng mà các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên và rộng hơn là cả nước cũng kỳ vọng TP Đà Nẵng sẽ phát triển bứt phá, như đã từng tạo dấu ấn cách đây 25 năm - kể từ ngày chia tách tỉnh...

Cơ chế là một đòn bẩy

Đà Nẵng đã nổi bật trên bản đồ Việt Nam về mọi mặt phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) kể từ sau thời điểm chia tách tỉnh - 1997. Chỉ thời gian ngắn, quá trình đô thị hóa ở địa phương này đã phát triển nhanh, nóng.

Nếu thời điểm 1997, đô thị Đà Nẵng chỉ gói gọn khu vực quận Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà với diện tích chưa đầy 6.000ha, thì đến nay, diện tích đô thị của Đà Nẵng đã hơn 20.000ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ. Các khu dân cư mới được quy hoạch bài bản. Các khu phố cũ được cải tạo nâng cấp. Các cơ sở kinh tế lớn được định hình rõ nét. Khả năng cung cấp các dịch vụ đô thị ở mức đảm bảo. Bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, có trật tự. Điều kiện vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng đều từng năm.

Có được sự phát triển bứt phá như vậy, ngoài sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của các thế hệ lãnh đạo của Đà Nẵng thì phải kể đến chính sách "riêng có" của Trung ương dành cho Đà Nẵng. Cuối năm 2003, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 33, 43 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được coi là những nền tảng vững chắc để tạo đà cho một giai đoạn chuyển mình của đô thị Đà Nẵng.

Và hiện nay, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng là cơ hội thứ 2, như đòn bẩy để giúp Đà Nẵng bứt phá phát triển trong tình hình mới.

Nhiều tiềm lực để phát triển bứt phá

Nếu như giai đoạn 25 năm đầu kể từ khi chia tách tỉnh, Đà Nẵng nổi bật về phát triển hạ tầng đô thị, thì đất đai, thị trường BĐS là một trong những trụ cột kinh tế, thì nay, dư địa để phát triển đã khác.

Hiện nay, ngoài thế mạnh thương mại, du lịch, dịch vụ, Đà Nẵng đang tập trung lĩnh vực công nghiệp, cảng biển - logistics, công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...

Cách đây 5 năm, Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục có thêm 1 Nghị quyết (số 43) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã vạch ra cho Đà Nẵng định hướng phát triển rõ nét. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43, Đà Nẵng đã đạt những kết quả quan trọng, củng cố và bước đầu phát huy vai trò là trung tâm KTXH lớn của vùng và cả nước. Tuy nhiên, đây là giai đoạn khó khăn, Đà Nẵng chưa bứt phát để phát triển như kỳ vọng của Trung ương.

Chính vì vậy, hiện nay Bộ Chính trị yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43. Trước mắt tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...

Hiện Đà Nẵng nỗ lực thực hiện các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố trên địa bàn TP Đà Nẵng; Nghiên cứu việc mở rộng không gian phát triển cho thành phố.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Với các điều kiện như vậy, Đà Nẵng chắc chắn sẽ tạo ra một dấu ấn mới, giai đoạn mới về phát triển KTXH, trở thành vùng động lực của khu vực và cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn