MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà chờ của xe buýt Hà Nội. Ảnh: GT

Nhiều ưu tiên để thu hút người dân dùng phương tiện công cộng

Minh Hạnh LDO | 20/05/2022 11:14

Dịch vụ vận tải công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt như tăng số lượng tuyến, phương tiện, mở rộng vùng phục vụ và chất lượng. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, sản lượng vận tải hành khách công cộng 4 tháng đầu năm 2022 đạt tên 48 triệu lượt.

Sản lượng khách tăng mạnh

Theo ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, lượng khách đi xe buýt, đường sắt đô thị trong 4 tháng qua đạt 48,1 triệu lượt. Trong đó, xe buýt đạt 46,1 triệu lượt, đường sắt đô thị 2A đạt 1,9 triệu lượt.

Qua thống kê hết ngày 16.5.2022, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được 192 ngày vận chuyển được 2.954.931 lượt hành khách (bình quân mỗi ngày vận chuyển được trên 15.000 hành khách), trong tháng 4 và 5.2022 lượng khách tăng gấp đôi so với trước.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, hiện xe buýt đã được phục hồi 100%, khả năng tiếp cận của người dân với phương tiện công cộng thuận lợi hơn. Các phương tiện hiện đại, sạch sẽ cùng cung cách phục vụ được cải thiện đã thu hút được người dân tham gia giao thông công cộng. Do đó, cần tăng cường kết nối và đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội tạo liên kết giữa 2 tuyến, tăng tiện ích và năng lực vận tải khách công cộng.

Lượng hành khách đi xe buýt liên tục tăng lên qua các tháng, đặc biệt là khách đi lại thường xuyên (khách vé tháng). Thống kê cho thấy, sản lượng tem vé tháng tháng 4 tăng 68,6% so với tháng 3.2022. Trước đó, lượng tem vé tháng tháng 3 tăng 33,2% so với tháng 2.2022.

Cũng theo ông Thái Hồ Phương, sau hơn 4 tháng đi vào vận hành, các tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn Hà Nội cũng đã hoạt động ổn định. Sản lượng hành khách có xu hướng tăng dần, bình quân 16-20 hành khách/lượt. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng khá cao, bình quân đạt trên 107 hành khách/1 tháng/1 tuyến.

Hiện tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và giảm mạnh, các hoạt động kinh tế xã hội được trở lại bình thường, trong đó có việc học sinh, sinh viên đi học trực tiếp đã dẫn đến nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng theo đó cũng tăng lên.

Thay đổi tư duy phục vụ

Qua ghi nhận, trong thời gian qua chất lượng dịch vụ vận tải công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cải thiện, số lượng tuyến và số lượng phương tiện đều tăng, vùng phục vụ được mở rộng... Loại hình vận tải công cộng bằng đường sắt đô thị cũng dần khẳng định được tính ưu việt nhờ tốc độ, thời gian chuyến đi được đảm bảo.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân lớn khiến người dân chuyển sang chọn đi phương tiện công cộng nhiều hơn là do giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua dẫn đến chi phí đi lại bằng phương tiện cá nhân của người dân tăng theo.

TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện vận tải khách công cộng rất lớn. Nhưng làm thế nào để người dân được đi lại thuận tiện và đúng giờ là quan trọng.

Hiện vào các khung giờ cao điểm vẫn chen chúc quá phiền hà và chờ đợi lâu, quá nhiều điểm chung chuyển (tuyến)... đây là những bất cập khiến nhiều người chưa mặn mà khi thay đổi phương thức đi lại.  Do đó, phải thay đổi từ tư duy, chất lượng đến phương tiện phục vụ.  

Nhấn mạnh chất lượng dịch vụ vận tải công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã được cải thiện tăng số lượng tuyến, tăng số lượng phương tiện, mở rộng vùng phục vụ, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội có thêm loại hình xe buýt điện chất lượng cao qua đó thu hút thêm người dân sử dụng dịch vụ.

TS Khương Kim Tạo cho rằng, để đạt được mục tiêu phục vụ tốt nhân dân, cần phải đa dạng hoá các phương tiện vận tải công cộng như: Đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt cỡ lớn tạo ra luồng giao thông trục chính như BRT; tiếp đến là các tuyến phụ thu gom khách từ các khu dân cư, nhà máy... về bến chính và ngược lại bằng các xe cỡ nhỏ để tránh lãng phí và ách tắc vào giờ cao điểm. Đặc biệt là phát triển xe buýt ưu tiên, để xe buýt không phải dừng chờ tại các nút giao thông phù hợp.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục tuyên truyền những lợi ích thiết thực của vận tải hành khách công cộng đối với người dân để người dân hiểu và sử dụng; tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Hà Nội như chính sách giảm giá vé, đi xe buýt miễn phí; nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, đầu tư thay thế dần các phương tiện sử dụng dầu diezel sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường...


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn