MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất nông nghiệp ở huyện nông thôn mới Cam Lộ. Ảnh: A.Vũ.

Nhiều xã đã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới bị giảm tiêu chí

HƯNG THƠ LDO | 31/07/2023 20:33

Toàn tỉnh Quảng Trị có 69/101 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng có 47/69 xã bị giảm tiêu chí nông thôn mới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 69/101 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 68%), trong đó có 2 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh và xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa).

Bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 14,5 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, hiện nay có 47/69 xã đã được công nhận bị giảm tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí bị giảm nhiều nhất là tiêu chí quy hoạch, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.

Riêng đối với 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, ngoài các tiêu chí trên thì các tiêu chí bị giảm nhiều nhất gồm tiêu chí nhà ở, thu nhập, nghèo đa chiều và quốc phòng an ninh.

Hầu hết, các xã bị giảm tiêu chí là do bộ tiêu chí xã nông thôn mới của giai đoạn 2021-2025 quy định cao hơn về số lượng chỉ tiêu và chất lượng. Như năm 2022, bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới được ban hành mới với 19 tiêu chí và 57 chỉ tiêu (tăng thêm 8 chỉ tiêu so với bộ tiêu chí giai đoạn 2016- 2020). Trong đó, có rất nhiều chỉ tiêu mới và khó thực hiện so với tình hình thực tế các xã trên địa bàn tỉnh.

Ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị thông tin, để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đưa ra các giải pháp để thực hiện.

Theo ông Hòe, trước hết phải xác định nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới của các xã đã đạt chuẩn là nhiệm vụ chính quyền địa phương và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Về nguồn lực để các địa phương thực hiện, hiện nay, Quảng Trị đã ban hành các cơ chế, chính sách phân bổ nguồn ngân sách trung hạn 5 năm (giai đoạn 2021-2025) cho các xã. Đồng thời, hằng năm cũng phân bổ thêm nguồn sự nghiệp theo tình hình thực tế, kinh phí duy tu bão dưỡng cho các xã.

“Vì vậy, các địa phương cần chủ động, rà soát ưu tiên đầu tư các công trình liên quan đến các tiêu chí bị giảm tiêu chí; lồng ghép các chương trình dự án, huy động sức dân để hoàn thiện tiêu chí. Ngoài ra, trách nhiệm của địa phương cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt các tiêu chí không cần nguồn lực như tổ chức chính trị, an ninh quốc phòng” – ông Hồ Xuân Hòe, thông tin.

Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Quảng Trị cơ bản đạt được lộ trình của tỉnh đề ra; nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, đáp ứng tốt hơn sự hài lòng của người dân; diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Qua 3 năm đã huy động được trên 35.000 tỉ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn