MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhìn lại cả trăm năm lịch sử của Ga Hà Nội

Lâm Anh LDO | 29/09/2017 14:49

Khánh thành vào năm 1902 - cùng năm với chiếc cầu Long Biên, ga Hà Nội mang trong mình bao dấu ấn lịch sử và là nơi lưu giữ ký ức của hàng triệu người Việt Nam dù ít được nhắc tới, hay chỉ được biết tới như một nhà ga bình thường của ngành đường sắt.

Được hình thành khi chính quyền Pháp quyết định xây dựng con đường xe lửa xuyên Đông Dương và xuyên Đông Tây, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay) là nhà ga lớn nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Ban đầu đây là điểm xuất phát của con đường sắt từ Hà Nội đi Lạng Sơn rồi mở thêm đường đi Hải Phòng vào năm 1903. Hai năm sau, từ đây đường lên Lào Cai đường thành hình và 36 năm sau ga Hà Nội thành điểm kết nối cho hành trình xuyên Việt.  

Một hình ảnh xưa của ga Hà Nội 

Đợt đầu xây tòa nhà chính của nhà ga, gồm 3 tầng, nhìn thẳng ra con đường Gambetta, tức đường Trần Hưng Đạo ngày nay với tầng dưới là đại sảng, dành cho việc bán vé, đón khách ra vào, đi thông vào sân ga phía trong, tầng hai là nơi làm việc của các nhân viên và bộ phận kỹ thuật, nghiệp vụ và tầng ba là bộ phận hành chính.

Ga Hà Nội từng chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của Thủ đô và cũng là nơi diễn ra một trong những trận đánh lớn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc.

Cuối năm 1945 đầu 1946, từ Ga Hà Nội, ngày đêm các đoàn tàu hối hả đưa các đoàn quân Nam tiến từ các địa phương vào Nam chống quân xâm lược Pháp, mang trên mình những lá cờ đỏ sao vàng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những biểu ngữ, khẩu hiệu hào hùng.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ga Hàng Cỏ mang đầy vết đạn bom, từ ga Hàng Cỏ xuống tới ga Văn Điển, nhiều đoạn đường ray bị bóc, sau đó được phục hồi dần từ tháng 3/1947.  

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, ga Hàng Cỏ trở thành mục tiêu  ném bom của máy bay Mỹ cùng với các cơ sở lân cận như Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên,… Nhiều đoạn đường sắt bị cắt, bản thân ga Hàng Cỏ ngày 21.12.1972 đã bị một quả bom lớn ném trúng, ngôi nhà đại sảnh, nơi treo chiếc đồng hồ lớn của nhà ga, bị đánh sập hoàn toàn. Trong giai đoạn đó, tàu hỏa và các xe tải đều phải chạy vào ban đêm.

Hoà bình lập lại, ga Hà Nội lại tiếp tục chứng kiến những bước chuyển mình của Thủ đô với những đường phố khang trang, những toà nhà mới hiện đại.

Ga Hà Nội cũng chầm chậm chuyển mình với hệ thống phòng đợi tàu, phòng đợi khách liên vận quốc tế khang trang cùng các trang thiết bị mới như bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống internet không dây phục vụ hành khách đi tàu hay hệ thống quản lý đặt chỗ bán vé tự động.

Những hình ảnh hiện tại của ga Hà Nội. Ảnh Hải Nguyễn:

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn