MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhìn lại dấu mốc lịch sử và sứ mệnh của sổ hộ khẩu giấy sau hơn nửa thế kỷ

Quang Việt LDO | 03/07/2021 09:09

Trải qua quá trình lịch sử, sổ hộ khẩu đã gắn bó với công dân trong những thủ tục khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, làm sổ đỏ…

Ngày 1.7.2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, chính thức không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu và đến ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức không còn tồn tại.

Các loại sổ hộ khẩu giấy thời kỳ trước. Ảnh sưu tầm

Dấu mốc lịch sử hơn nửa thế kỷ

Trước thời điểm khai tử sổ hộ khẩu giấy, trong hơn nửa thế kỷ, loại giấy tờ này gắn liền với mọi người dân Việt Nam, trên các hoạt động, lĩnh vực đời sống.

Nhìn lại thời điểm năm 1955, để bảo đảm đời sống cho bộ đội, những người làm công ăn lương, học sinh trung cấp, sinh viên đại học..., Nhà nước quy định tiêu chuẩn cung cấp gạo cho bộ đội, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và bán với giá thống nhất 4 hào/kg.

Đến năm 1957), hai thành phố lớn tại miền Bắc gồm Hà Nội và Hải Phòng có quy định hạn chế người vào đây. Chính quyền khi đó đã quản lý số nhân khẩu bằng việc tổ chức đăng ký nhân khẩu thường trú cho từng gia đình, cơ quan, trường học...

Khi các công trình nhà ở, nhà máy được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, đã làm tăng nhu cầu công nhân. Nhiều nhà máy, công trường tự tuyển quá nhiều lao động gây khó khăn cho Hà Nội trong cung cấp lương thực, thực phẩm theo chế độ.

Nhằm kiểm soát số người về Hà Nội, ngày 9.9.1960, Chính phủ đã ban hành "Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn" cùng với Nghị định số 36/CP.

Bộ Lao động khi đó có trách nhiệm quản lý việc thi hành chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân công dựa theo kế hoạch của Nhà nước.

Sổ hộ khẩu bìa đỏ được sử dụng trong thời kỳ trước khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực. Ảnh sưu tầm

Tiếp đến, vào năm 1964, hộ khẩu tiếp tục có sự điều chỉnh bằng Nghị định 104, quy định mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình. Ở thành phố, thị xã, thị trấn thì đồn công an lập sổ hộ khẩu cho từng hộ trong khu vực mình phụ trách

Ở xã, thị trấn (nơi không có đồn công an) thì Ủy ban hành chính xã, thị trấn lập sổ hộ khẩu cho từng hợp tác xã hoặc cho từng đội sản xuất trong các hợp tác xã quá lớn; ở nơi chưa có hợp tác xã thì lập sổ hộ khẩu cho từng xóm.

Những hộ còn làm ăn riêng lẻ được đăng ký chung một sổ hộ khẩu với hợp tác xã, đội sản xuất cùng thôn hoặc cùng xóm.

Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, lâm trường, trường học ... lập sổ hộ khẩu ở mỗi khu nhà tập thể của mình dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của cơ quan công an hoặc Ủy ban hành chính xã, thị trấn sở tại.

Trường hợp chuyển chỗ ở đến một thành phố, thị xã thì khi đến đăng ký lấy giấy "Chứng nhận chuyển đi", họ phải đem theo một trong những giấy tờ theo quy định.

Đến tháng 7.1988, theo Nghị định 4 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu, việc lập sổ hộ khẩu được thực hiện như sau: ở thành phố, thị xã, thị trấn lập theo từng hộ, ở nông thôn lập theo xóm, ấp, bản.

Đối với nhà ở tập thể của cơ quan và tổ chức thì lập theo từng nhà ở hoặc phòng ở tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, hội viên.

Cuối năm 1989, Nhà nước bỏ chế độ gạo cung cấp cùng tem phiếu nhưng hộ khẩu thì vẫn giữ nguyên song không còn giá trị như thời kỳ trước đó.

Khai tử sổ hộ khẩu giấy

Đến năm 2007, Luật Cư trú 2006 có hiệu lực, sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Điểm chuyển biến quan trọng trong quản lý dân cư, khi Chính phủ đồng ý về việc bỏ sổ hộ khẩu. Điều này được thể hiện qua Nghị định 112, ngày 30.7.2017.

Lúc này, cơ quan nhà nước đã bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Theo thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, chúng ta đã khai tử một di sản của một thời kỳ bao cấp, mở ra một kỷ nguyên mới trong phương thức quản lý xã hội.

Sổ hộ khẩu đã gắn bó với chúng ta rất lâu, trong một thời gian dài lịch sử. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi điều này, chuyển sang dùng nền tảng dữ liệu số để quản lý, phục vụ giao dịch người dân.

Trước đây, rất khó khăn để người dân nhập khẩu, đặc biệt là vào các thành phố lớn. Hiện, điều kiện nhập khẩu vào thành phố như Hà Nội, TPHCM... đã thoáng hơn nhiều khi bỏ sổ hộ khẩu giấy.

Tuy nhiên, trước khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, theo đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ Công an), quá trình xây dựng Luật này, thời điểm có hiệu lực của luật, thời điểm bỏ hộ khẩu giấy được bàn rất nhiều trên diễn đàn nghị trường.

Ở đó, có người cho rằng khi luật mới có hiệu lực thì khai tử sổ hộ khẩu và giấy tờ tạm trú (từ 1.7). Nhưng cũng có người cho rằng làm vậy thì sự chuẩn bị chưa đảm bảo được.

Để thận trọng, Luật Cư trú quy định có giai đoạn chuyển tiếp, đó là luật có hiệu lực rồi nhưng hộ khẩu giấy vẫn được sử dụng đến cuối năm 2022.

Sứ mệnh của sổ hộ khẩu

Trước thời kỳ đổi mới, hệ thống hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, sổ hộ khẩu đã gắn bó với công dân trong những thủ tục hành chính như:

- Làm CMND/CCCD, khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, sổ đỏ…

- Xác nhận tình trạng hôn nhân, sơ yếu lý lịch, giấy ủy quyền/ủy nhiệm, hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng..

- Đề nghị: Mua nhà công, mua bảo hiểm

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn