MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác giả (Tường Minh) tiêm phòng vaccine COVID-19. Ảnh: Thanh Hải

Nhớ lần đầu đi tiêm vaccine phòng chống “con Cô vít”

Cát Tường - Tường Minh LDO | 20/06/2021 16:51

Nếu bây giờ cho chọn lại sau khi đã hiểu rõ về vaccine, thì chúng tôi vẫn lựa chọn tiêm và vẫn đang háo hức chờ đợi cảm giác “đau đớn” của mũi tiêm thứ hai phòng COVID-19...

Cái tay trái ngoan ngoãn

Phóng viên đầu tiên của Văn phòng đại diện báo Lao Động tại miền Trung được trải nghiệm cảm giác tiêm phòng vaccine COVID-19 là Thanh Tuấn - thường trú tại Gia Lai.

Dạo ấy, dịch lần 4 còn chưa bùng phát và chúng tôi có mặt tại Gia Lai để tổ chức lớp tập huấn kỹ năng viết tin bài cho cán bộ Công đoàn tỉnh. Sáng gặp nhau cà phê, Thanh Tuấn - người to khỏe như con bò mộng, hãnh diện bảo, “bây giờ em phải đi tiêm”.

Cuối giờ chiều gọi điện cho Thanh Tuấn thì nghe đầu dây bên kia thì thào “em sốt cao và đau nhức toàn thân”. Chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác, nghĩ, chắc hắn lười nên... làm trò, chứ tiêm có mũi vaccine vào người, làm gì mà “ghê” thế?

Rồi cũng đến lượt chúng tôi, những phóng viên ở Đà Nẵng được đi tiêm, đúng vào những ngày dịch đợt 4 bùng phát cao điểm, sau một thời gian dài chờ đợi.

Lịch tiêm của Báo Lao Động bắt đầu 14h chiều, nhưng đến 11h thì CDC Đà Nẵng thông báo hoãn vì buổi sáng có một ca F1 đến địa điểm tiêm phòng nên cần xử lý y tế. Đầu giờ chiều, CDC Đà Nẵng lại giục các cơ quan báo chí đi tiêm theo lịch vì ca F1 đã trở nên vô hại sau khi kiểm tra. Thế thôi, mà không khí cũng rộn ràng, hồi hộp.

Tiêm phòng dịch ngay trong lúc dịch đang bùng phát: Đeo khẩu trang, khai báo y tế, sát khuẩn... rồi mới được vào phòng chờ. Vào tới nơi phải xếp thành 4 hàng ngồi chờ kiểu “cách ô ăn ô” nên có người đi từ 14h nhưng mãi đến 17h mới được khám kiểm tra trước khi tiêm vì... thật thà quá nên cứ bị đồng đội “giành” chỗ mỗi khi di chuyển.

Nhiều trong những người chờ đến 4 tiếng đồng hồ nhưng đến phần thăm khám thì phải ra về, hẹn sáng mai quay lại xem sao vì huyết áp đo mãi vẫn 160 mmhg thay vì trên dưới 120mmhg như người bình thường.

Có đồng nghiệp của chúng tôi, sáng hôm sau quay lại với bao thủ tục, nhưng đo tới đo lui, kể cả liệu pháp ra chỗ mát ngồi một lát rồi vào đo lại vẫn là trên dưới 160mmhg. “Hay là anh thử đo tay trái xem sao” - một ý kiến được đưa ra từ nhân viên y tế đo huyết áp. Và thật bất ngờ, tay trái đo cái là được ngay kết quả 120mmhg... như bình thường. Thế là được tiêm.

Mong chờ mũi thứ hai

Hay tin chúng tôi được tiêm phòng COVID -19, lập tức, có hơn chục tin nhắn gởi về, trong đó có Thanh Tuấn từ Gia Lai, bảo “hãy chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt cho đêm nay” nên cứ nghe sờ sợ, tim cứ đập loạn xạ khi thấy kim tiêm và y tá. Rồi cũng đến lúc tiêm. Thú thật là chúng tôi chẳng có cảm giác gì đặc biệt khi mũi kim ấy đâm sâu vào da thịt...

Tiêm xong lúc 15h, đến 20h đêm thì chúng tôi bắt đầu nổi sốt và ớn lạnh từng cơn, toàn thân đau nhức - những cảm giác chưa bao giờ trải qua từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Cứ thế, những cơn đau, ớn lạnh, sốt hầm hập kéo dài xuyên đêm cho đến hết ngày hôm sau mới có dấu hiệu giảm.

Tất nhiên là không phải ai cũng trải nghiệm cảm giác “đau đớn” sau khi tiêm giống như chúng tôi. Bởi Văn phòng Báo Lao Động tại miền Trung đến thời điểm này có 7 cán bộ, phóng viên được tiêm vaccine COVID-19 thì có đến 4 người “chờ mãi vẫn không thấy cảm giác gì đặc biệt”. Thậm chí, có người hai ngày sau khi tiêm, bỗng dưng thấy người “hơi sốt” nên vào Bệnh viện C Đà Nẵng để thăm khám. Và tất nhiên, thời buổi dịch dã thì không cần nói nhiều, cứ nóng sốt là phải ở tại bệnh viện 24 tiếng, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch COVID-19 mới cho về.

Vaccine là một biệt dược khả thi nhất đến thời điểm này có thể giúp các cá nhân tự bảo vệ mình và dựng hàng rào phòng thủ với dịch COVID-19. Vì là một biệt dược nên sốc phản vệ và tác dụng phụ là chuyện đương nhiên. Vậy nên, cũng không có gì lạ khi nhiều bác sĩ, bạn của chúng tôi đã lần lữa với tiêm phòng vì nhiều lý do khác nhau dù có tiêu chuẩn được tiêm lần này. Nhưng chúng tôi thì khác.

Trong gần 2 năm qua, chúng tôi - những phóng viên tuyến đầu đã nếm trải đủ cảm giác bảo vệ sự không an toàn của mình đối cộng đồng, đặc biệt là những người thân yêu trong gia đình khi cứ “mình trần” ngày đêm tác nghiệp. Vậy nên nếu bây giờ cho chọn lại sau khi đã hiểu rõ về vaccine, thì chúng tôi vẫn lựa chọn tiêm và vẫn đang háo hức chờ đợi cảm giác “đau đớn” của mũi tiêm thứ hai...

Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng và Công đoàn ngành Y tế chính thức phát động Chương trình "VÌ NHỮNG CHIẾN BINH ÁO TRẮNG". Chương trình mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ, tạo thêm sức mạnh cho những người ngày đêm cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình vì nhân dân, vì đất nước.

Chương trình kêu gọi sự ủng hộ của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự đóng góp của quý vị sẽ được chúng tôi chuyển đến hỗ trợ những y, bác sĩ, cán bộ y tế để góp phần chia sẻ khó khăn, đoàn kết chống dịch.

Mọi sự hỗ ủng hộ gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển tiền qua tài khoản:

    • STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ chiến binh áo trắng

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    Mở Ví Momo, chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn”. Thực hiện theo hướng dẫn. Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ chiến binh áo trắng.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn