MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người phụ nữ tại gác chắn Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) chưa bỏ gác một ngày nào, dù trời mưa hay nắng. Ảnh: Nguyễn Linh

Nhọc nhằn ca trực đêm của nữ nhân viên gác chắn tàu Đà Nẵng

Mỹ Linh LDO | 07/03/2023 09:19

Những ca trực cả ngày lẫn đêm tại các gác chắn tàu hỏa với một người đàn ông đã khó, vậy mà những người phụ nữ tại chắn Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) lại chưa bỏ gác một ngày nào, dù trời mưa hay nắng.

Những người phụ nữ không ngày lễ

Chắn tàu Nguyễn Sinh Sắc là mô hình chắn “Phụ nữ tự quản” của Ban Nữ công Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là chuỗi hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Một ngày làm việc tại gác chắn Nguyễn Sinh Sắc được chia làm 2 ca, mỗi ca 12 tiếng từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối và 18 giờ tối đến 6 giờ sáng với gần 30 chuyến tàu qua lại. Với cường độ công việc cao nên những nữ gác tàu phải làm việc xuyên suốt, có những lúc đang ăn cơm thì phải bỏ ngang, chạy ra gác chắn để cảnh báo, kéo barie (thanh chắn giao thông).

“Đây là đoạn đường nhiều phương tiện lưu thông nên trách nhiệm của mình cũng rất lớn. Nhiều lúc đang ăn cũng phải bỏ đũa mà chạy. Cứ nhận được thông báo thì dù có làm gì, chúng tôi cũng phải vội vã đội mũ chạy ra trạm gác cầm còi. Người kéo chắn tàu, người điều tiết, làm sao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đi đường và phương tiện lưu thông” - chị Trần Thị Ngọc Hiếu (33 tuổi, nhân viên gác chắn) tâm sự.

Chị Trần Thị Ngọc Hiếu đã gắn bó với công việc gác chắn tàu hơn 8 năm. Suốt chừng ấy năm, chưa ngày nào chị bỏ vị trí. “Nhiều lúc thấy mình có trách nhiệm với mọi người nhưng với gia đình thì không” - chị Hiếu bộc bạch.

Công việc chủ yếu của nhân viên gác chắn là nghe điện thoại trực ban, ghi chép giờ tàu đến, kéo rào chắn, đảm bảo an toàn cho mọi người cũng như đoàn tàu. “Khổ nhất vẫn là trực ca đêm, nhiều lúc buồn ngủ ríu cả mắt nhưng phải cố gắng tỉnh táo. Phải thức xuyên đêm để điều tiết dù mưa hay nắng, nhưng chúng tôi vẫn chọn vì trách nhiệm, vì yêu nghề” - chị Hoàng Thị Ngân - nhân viên tại trạm gác chắn Nguyễn Sinh Sắc - chia sẻ.

Hiểm họa những ca gác đêm

Suốt 17 năm làm công việc gác chắn tàu, chị Đặng Thị Nguyệt (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) không nhớ rõ bản thân mình đã đón bao nhiêu chuyến tàu, gác bao nhiêu ca đêm. Chị chỉ nhớ, có những ngày phải gửi con ở nhà với ông bà để ra bám trụ tại gác chắn, bảo đảm an toàn cho người đi đường.

Phải trực đêm cũng là nỗi sợ của những người phụ nữ gác chắn tàu như chị Đặng Thị Nguyệt. Họ sợ gặp phải những trường hợp nghiện, say xỉn và cũng đã không ít lần họ bị đe dọa, bị đánh đến mức phải nhập viện.

Gần đây nhất là vào ngày 19.2 vừa qua, khoảng 20h, chị Đặng Thị Nguyệt và chị Võ Thị Thùy Trinh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đang làm nhiệm vụ đóng gác chắn tại đoạn giao với đường Hà Huy Tập, phường Chính Gián (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), một nhóm thanh niên điều khiển xe đi tới đòi mở barie để đi qua.

“Vì tàu gần tới nên chị Trinh không cho qua. Nhóm thanh niên đó đã đánh chị Trinh vào đầu và mặt. Tôi chạy qua cản lại, nhóm này quay lại đánh cả hai chúng tôi. Một người dân tới can cũng bị nhóm này kéo xuống đường. Lúc này, chồng tôi ra đưa cơm chạy vào can ngăn, cũng bị nhóm thanh niên trên đánh tới tấp…” - chị Đặng Thị Nguyệt nhớ lại.

Sau khi cùng chồng đến bệnh viện kiểm tra, sức khỏe dần ổn định, ngay lập tức, chị Đặng Thị Nguyệt lại quay về với công việc, đảm bảo thay ca cho đồng nghiệp.

Với tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc mà những nữ gác chắn tàu luôn sát sao, cẩn thận, chu đáo. Họ yêu thương, đùm bọc nhau để đảm bảo an toàn cho những người qua đường ngang, các chuyến tàu thông suốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn