MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lái xe, phụ xe buýt 61 ăn bữa sáng vội vã trên xe tại điểm cuối Công viên Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Thanh Thanh

Nhọc nhằn đời lái xe buýt

Thanh Thanh - Thu Hiền LDO | 25/05/2020 07:30
Được coi là nghề “làm dâu trăm họ”, lái xe, phụ xe trên những tuyến buýt của Hà Nội gặp không ít khó khăn, áp lực khi hành nghề.

Bị coi là “hung thần xa lộ”

Đúng 5h10’ ngày 20.5, xe buýt tuyến 61 lăn bánh từ bến Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội). Sau 1h30, xe buýt đã di chuyển đến điểm cuối tại Công viên Cầu Giấy. Anh Ngô Bình (50 tuổi) - lái xe cùng anh Hoàng Quốc Tùng - phụ xe phụ trách “kíp” trực sáng nay vội vàng mua bên lề đường hộp xôi, cái bánh mì để ăn lót dạ. “Chẳng phải riêng gì chúng tôi, ai đã làm cái nghề lái xe buýt cũng đều như vậy. Có những hôm tắc đường không kịp ăn, có khi nhịn đói luôn” - anh Bình chia sẻ.

Ăn chớp nhoáng 15 phút, anh Bình lại tiếp tục điều khiển xe buýt lăn bánh trên các chặng đường. Theo ghi nhận của phóng viên, trên xe 61 hướng từ Công viên Cầu Giấy về Đông Anh không quá đông đúc. Lái xe đánh lái cách lề đường chừng 25cm, đón những vị khách lên xe. Thấy hành khách chưa đeo khẩu trang, anh Tùng phụ xe nhắc nhở: “Các em đeo khẩu trang vào”. Trên toàn tuyến, lái xe thở phào khi chỉ tắc nhẹ ở đoạn đường Phạm Văn Đồng, như vậy vẫn kịp giờ quy định.

Nghỉ ngơi tại bến Dục Tú, anh Ngô Bình bớt chút thời gian ít ỏi chia sẻ với phóng viên. Gần 20 năm cầm lái xe buýt tại Hà Nội, anh Ngô Bình chứng kiến nhiều sự đổi thay, gom lại biết bao kỷ niệm vui buồn trên mỗi chặng đường phục vụ hành khách. Cầm vô lăng trên phương tiện vận tải hành khách công cộng, áp lực mà lái xe phải chịu rất lớn. 

“Xe buýt bắt buộc phải dừng đỗ đúng các điểm quy định. Bên cạnh đó, lái xe đánh xe cách lề đường 25cm để đón khách. Song đường đông, lòng đường hẹp buộc chúng tôi lái xe sát lề đường để khách lên nên rất khó khăn. Còn nữa, lúc thì xe ôm đón trả khách, taxi đỗ tràn ra đường, lái xe buýt lấy đâu chỗ đón khách” - anh Bình kể.

Nhấp ngụm nước chè, anh Bình chia sẻ thêm: “Chính vì phải đỗ điểm buýt, có phương tiện đi đường ngênh ngang lại nghĩ chúng tôi tạt đầu. Vì vậy, nhiều người ác cảm với xe buýt, coi như hung thần xa lộ”.

Ngồi trên tuyến buýt nhiều lượt trong ngày 20.5, chúng tôi không gặp cảnh nào éo le trên xe. Song anh Tùng kể lại: “Chuyến xe 61 có hành khách quen thuộc là 2 bố con người Nhật. Mỗi lần lên xe hay xuống xe, họ đều cúi đầu chào, cảm ơn. Nhưng chính người dân Việt Nam lại làm khó phụ xe khi việc nhắc nhở nhẹ nhàng hay sắp xếp chỗ đứng, ngồi cũng không chịu thực hiện”.

Vốn là người cộc tính, nhưng làm nghề phụ xe buýt đã rèn cho anh Tùng sức chịu đựng, nhẫn nhịn. Xác định nghề “làm dâu trăm họ”, anh Tùng kể: “Nhiều hành khách lên xe nhưng thiếu ý thức, nói chuyện to, vắt chân lên ghế, thậm chí có những người say xỉn, nôn mửa ngay trên xe. Làm dịch vụ, chúng tôi nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng nhiều khi còn bị dọa nạt, chửi mắng, gọi điện phản ánh lên công ty”.

Mong muốn thu nhập cao hơn

Chia sẻ về thu nhập, phụ xe buýt tuyến 61 - anh Hoàng Quốc Tùng - cho hay, nếu không bỏ chuyến, bỏ lượt, đảm bảo phương tiện sạch sẽ, thu nhập mỗi tháng của anh là 10 triệu đồng. Trong thời gian nghỉ dịch, anh cũng được công ty hỗ trợ phần nào và ngày nghỉ lễ vẫn có tiền thưởng.

Đồng hành với những chuyến xe tuyến 61 nhiều năm nay, anh Hoàng Minh Nam - phụ xe - bộc bạch: “Nhiều khách hàng không biết rằng việc mua vé, giữ vé trong suốt quá trình di chuyển là điều bắt buộc. Nó đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm cho khách hàng mỗi khi có vấn đề gì xảy ra. Có những lần, bán vé cho khách hàng, nhưng họ vứt đi hoặc làm mất, đến lúc có thanh tra kiểm tra, người bị truy cứu lại là phụ xe chúng tôi”.

Hơn 10 năm cầm lái trên xe buýt tuyến 14 (Bờ Hồ-Cổ Nhuế), anh Nguyễn Trí Thành chia sẻ: “Lái xe buýt trong nội đô Hà Nội gặp những áp lực về mật độ giao thông lớn. Đi trên đường, chúng tôi thường gặp nhiều ôtô cá nhân đi khá chậm, xe máy thì tung hoành, luồn lách. Nhất khi giờ cao điểm nhiều tuyến đường ùn tắc ảnh hưởng đến “giờ giấc” chạy xe quy định”.

Trung bình mỗi ngày, lái xe tuyến 14 phải đảm bảo chạy khoảng 5,5 lượt. Anh Nguyễn Trí Thành cho biết: “Mức lương của tôi khi hoàn thành nhiệm vụ khoảng 8 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung, thu nhập như vậy là khá thấp. Cho nên, chúng tôi mong muốn các sở, ban ngành của thành phố đề xuất tăng thêm thu nhập cho lái xe. Anh em lái xe cũng hay than vãn về thu nhập. Nếu có mức lương tốt hơn thì sẽ giữ chân người lao động hơn”.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn bộ mạng lưới xe buýt của Thủ đô đã tạm dừng hoạt động kể từ cuối tháng 3. Thời điểm này, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã sắp xếp cho gần 7.500 người lao động nghỉ việc, trong đó có 6.000 lao động phục vụ trên các tuyến xe buýt. Theo anh Thành, thời gian thực hiện giãn cách xã hội anh phải nghỉ ở nhà và chỉ thực hiện những chuyến điều động của thành phố chở những người hết cách ly về địa phương. “Trong thời gian qua, công ty cũng hỗ trợ được 70% lương, nhưng sẽ chi trả trong nhiều đợt” - anh Thành nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn