MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên và nhân viên Y tế Trường Mầm non A Túc vừa làm công tác chuyên môn vừa tranh thủ nấu ăn cho trẻ. Ảnh: TH.

Nhọc nhằn hàng trăm cô giáo mầm non ở miền núi kiêm thêm nghề... "hai sọt"

HƯNG THƠ LDO | 28/11/2018 10:51

Dù thông tư cho phép, nhưng các trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Trị chưa được bố trí nhân viên nuôi dưỡng (NVND). Để duy trì bữa ăn cho trẻ, nhà trường tự xoay xở bằng cách động viên giáo viên đứng lớp kiêm “đứng bếp”.

Trường Mầm non A Xing thuộc vùng Lìa của xã A Xing (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có 5 điểm trường với 235 trẻ, nhưng chưa được bố trí NVND. 5 năm trở lại, để giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, nhà trường đã thực hiện công tác bán trẻ. Từ đó, nhân viên y tế của trường và các giáo viên vừa làm chuyên môn, vừa vào bếp nấu ăn…

Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non A Xing cho biết, trường phải vận dụng sao cho vừa đảm bảo công tác chuyên môn, vừa đảm đương tốt nhiệm vụ của NVND, nhưng thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập, khó khăn.

2 chiếc sọt bằng sắt được đặt lên xe máy để giáo viên Trường Mầm non A Túc chở thức ăn đến điểm trường cho trẻ. Ảnh: TH

Cách Trường Mầm non A Xing không xa, Trường Mầm non A Túc (xã A Túc, huyện Hướng Hóa) cũng chung cảnh ngộ. Trường này có 258 cháu, việc nấu ăn cho trẻ cũng do nhân viên y tế và giáo viên đảm nhận. Bếp nấu ăn được bố trí ở trường chính, đến bữa, các điểm trường cử giáo viên về chở thức ăn. Mỗi ngày, cứ gần trưa là các giáo viên dùng xe máy cột 2 chiếc sọt bằng sắt, đặt vào đó cơm canh đã nấu sẵn rồi chở đến các điểm trường.

“Học sinh ở trường là con em đồng bào thiểu số nên nhà trường không thể thỏa thuận thu tiền nấu ăn với phụ huynh để trả tiền hợp đồng các NVND như các trường ở vùng có điều kiện như đồng bằng” – cô giáo Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Mầm non A Túc, cho hay.

Để nấu ăn cho từng này trẻ, Trường Mầm non A Xing phải cử nhân viên y tế và các giáo viên xuống bếp. Ảnh: TH.

Theo Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 152 trường mầm non công lập chăm sóc nuôi dưỡng 35.121 cháu. Nếu theo thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định "trường mầm non có tổ chức bán trú được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn với định mức 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn", thì cần tối thiểu 747 NVND.

Nhưng NVND được các trường mầm non tự hợp đồng, tự trả lương hiện chỉ có 485 người với mức lương từ 1,9 đến 2,9 triệu đồng (tùy vào sự đóng góp của phụ huynh). Từ các năm trước, Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị đã có kiến nghị cần bố trí hợp đồng đối với NVND ở các trường mầm non, nhưng chưa được thông qua.

“Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị đã được UBND tỉnh giao xây dựng đề án thực hiện chế độ chính sách cho NVND trong các trường mầm non công lập tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019- 2025. Hiện đang hoàn thiện đề án để trình các cấp xem xét” – bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn